Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiên Giang: Quan tâm thực hiện chính sách cho Người có uy tín

Nông Hồng - 11:05, 11/05/2022

Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với Người có uy tín; tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng, khuyến khích họ tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương.

Ban Dân tộc Kiên Giang thăm, tặng quà các chức sắc tôn giáo, Người có uy tín nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer
Ban Dân tộc Kiên Giang thăm, tặng quà các chức sắc tôn giáo, Người có uy tín nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

Vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào Khmer, trong tổng số hơn 1,7 triệu người, tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Giang Thành, TP. Hà Tiên… Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển ở các địa phương.

Điển hình như ông Danh Nâu, Người có uy tín ở ấp Hòa Út, xã Định Hòa (huyện Gò Quao) luôn phát huy vai trò gương mẫu, nói đi đôi với làm. Ông và gia đình không chỉ tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn tiên phong trong phong trào lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo… Đặc biệt, ông còn vận động đồng bào thực hiện phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư", xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động bà con tăng gia sản xuất để ổn định cuộc sống.

Hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 xảy ra trên khắp cả nước, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào Khmer ở xã Định An (huyện Gò Quao). Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương luôn được quan tâm, thực hiện hiệu quả, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ Người có uy tín.

Theo ông Danh Liễu, Người có uy tín ở ấp An Hòa, xã Định An, để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh, trong các cuộc họp, ông đã cùng cán bộ mặt trận địa phương thông tin đến người dân. Do đặc thù xã Định An, có gần 70% dân số là đồng bào tộc Khmer nên mỗi khi cán bộ xã tuyên truyền bằng tiếng Việt, ông Liễu sẽ phiên dịch lại bằng tiếng Khmer cho bà con hiểu.

"Bên cạnh đó, chúng tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho đồng bào về các quy định phòng chống dịch bệnh, cũng như việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin Covid-19...”, ông Danh Liễu cho biết.

Thực hiện tốt chính sách cho Người có uy tín

Giai đoạn 2012-2021, toàn tỉnh Kiên Giang có 2.534 lượt người được bầu chọn là Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Riêng năm 2022, toàn tỉnh có 279 người được bầu chọn, trong đó có 268 nam và 11 nữ.

Hằng năm, tỉnh Kiên Giang luôn dành nguồn lực để thực hiện chính sách cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó thường xuyên tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi gia đình có Người có uy tín gặp khó khăn, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết truyền thống của các dân tộc Khmer, Chăm…

Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương đã quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ vật chất cho 104 trường hợp Người có uy tín ốm đau; thăm hỏi, động viên 36 hộ gia đình Người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn; thăm viếng 51 trường hợp người thân của Người có uy tín qua đời. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS giai đoạn 2012-2021 là trên 6,5 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Kiên Giang xét tặng Bằng khen cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc và 103 cá nhân Người có uy tín; 20 tập thể và 253 cá nhân Người có uy tín được xét tặng Giấy khen của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. 

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, những Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, đều là các vị chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi..., Do vậy, họ đều có trình độ, hiểu biết và thường xuyên được tiếp cận với những chính sách mới. 

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đầy đủ chính sách đối với Người có uy tín, qua đó phát huy vai trò của họ trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn; kịp thời biểu dương, khen thưởng những Người có uy tín có thành tích xuất sắc nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS...

Có thể thấy, việc thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Từ những chính sách này, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho những Người có uy tín đóng góp các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.