Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cuộc sống của người Arem bên kỳ quan Sơn Đoòng

Khánh Ngân - 12:08, 17/11/2021

Bây giờ, người Arem đã được sinh sống trong những ngôi nhà sàn mái đỏ nổi bật bên kỳ quan Sơn Đoòng thay vì phải sinh sống trong rừng sâu, hang đá. Con đường đến trường của các em học sinh cũng được bê tông phẳng lỳ... Tuy nhiên, cần có thêm những chính sách “đòn bẩy”, những khát khao, động lực tự cường từ người Arem, người Bru Vân Kiều để Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vươn lên mạnh mẽ hơn.

Bản của đồng bào Arem giữa núi rừng Phong Nha
Bản của đồng bào Arem giữa núi rừng Phong Nha

Hiểu để yêu thương

Tân Trạch là xã đặc biệt, toàn xã chỉ có vẻn vẹn 90 hộ dân nằm trọn vẹn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có kỳ quan Sơn Đoòng. Trong đó, người Arem (nhánh nhỏ dân tộc Chứt) chiếm hơn 80% dân số, còn lại là người Bru Vân Kiều. Do đặc thù là một xã có quy mô dân số rất nhỏ, lại nằm biệt lập, nên khó khăn về nhiều mặt. Để đưa Tân Trạch phát triển, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS là một thử thách không hề nhỏ đối với chính quyền địa phương các cấp.

Do đặc thù là xã nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia, nên đất sản xuất ít, lại không thể mở rộng. Bên cạnh đó, trồng trọt lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, chưa thể áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Địa hình diện tích đất canh tác nông nghiệp lại dốc, khí hậu đặc thù, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng khó thực hiện. Người Arem thiếu đói, không đủ lương thực cũng là điều dễ hiểu, cần được sẻ chia.

Thời tiết rất khắc nghiệt, mới đầu Đông mà nhà ông Đinh Lầu đã phải đốt lửa để cùng sưởi ấm
Thời tiết rất khắc nghiệt, mới đầu Đông mà nhà ông Đinh Lầu đã phải đốt lửa để cùng sưởi ấm

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết: “Đồng bào ở xã chủ yếu là gieo trồng lúa nương, ngô, sắn nhưng diện tích ít, không thể mở rộng vì không có đất. Lúa nương, ngô, sắn lại ở trong vùng lõi vườn Quốc gia nên khỉ, lợn rừng phá hoại nhiều lắm, nên bà con vẫn thiếu lương thực”.

Mặc dù trong điều kiện đặc thù, có nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, từ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền, sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể...đời sống của người Arem đã có nhiều khởi sắc. Những chỉ số như thu nhập bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/năm; 8/19 tiêu chí về nông thôn mới (NTM) ở xã Tân Trạch đã hoàn thành. Cuộc sống của bà con cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Người Arem đau ốm đã đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Bà con đã bỏ dần những tập tục lạc hậu. Con em của đồng bào được đến trường... Đó là những tín hiệu đáng vui cho người Arem, cho xã vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cần thêm “đòn bẩy”

Con đường giao thông được xây dựng từ chương trình NTM phẳng lỳ dẫn vào bản Arem, do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư vừa mới hoàn thành. Những ngôi nhà sàn được gia cố bằng cột bê tông, mái lợp bằng tôn đỏ, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Điểm trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng khang trang… Tất cả như đã nói lên sự đổi thay lớn về cuộc sống của người Arem ở xã Tân Trạch.

Những ngôi nhà sàn được gia cố bằng cột bê tông, mái tôn chắc chắn, bên con đường bê tông phẳng lỳ dẫn vào bản Arem được Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư vừa mới hoàn thành
Những ngôi nhà sàn được gia cố bằng cột bê tông, mái tôn chắc chắn, bên con đường bê tông phẳng lỳ dẫn vào bản Arem được Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư vừa mới hoàn thành

Tuy nhiên, với đặc thù bình quân mỗi hộ gia đình có chưa đến 0,5 ha đất lúa nương, dù không còn bị đói đứt bữa như trước, nhưng với tỷ lệ 75% là hộ nghèo… thì những chính sách hỗ trợ về vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa mà Đảng, Nhà nước đang triển khai trên địa bàn cả nước, trong đó có Tân Trạch...; là chưa đủ để Tân Trạch vươn lên. Vì vậy, Tân Trạch cần có chính sách mang tính đặc thù, thực sự phải là “đòn bẩy” đủ mạnh để tạo sức bật cho địa phương, cho cộng đồng DTTS nơi đây.

Ví như, để người Arem, người Bru Vân Kiều định cư trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có điều kiện sống tốt hơn, điều cần thiết là phải bảo đảm cho họ sống được, “sống khỏe” cùng rừng, nhưng không phải từ khai thác rừng trái phép. Có thể bằng những chính sách như, tăng diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, tạo sự liên kết giữa cộng đồng dân cư với các kỳ quan thiên nhiên trong việc phát triển du lịch, thậm chí phải có sự cân bằng, chia sẻ lợi ích từ nguồn thu du lịch đối với cảnh quan, kỳ quan mà những cư dân sống trong vùng đã hy sinh kinh tế để giữ gìn…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, cần có phương án nghiên cứu đưa cây dược liệu đặc trưng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vào trồng thử nghiệm, tiến tới sản xuất đại trà, tạo sinh kế giúp đồng bào phát triển kinh tế bền vững trên chính mảnh đất họ đang định cư.

 Điều này có thể thực hiện được, bởi trên thực tế một số vườn Quốc gia khác như Pù Mát (Nghệ An), đã thực hiện thành công với mô hình trồng cây cà gai leo. Các sản phẩm như cao cà gai leo, trà gai leo đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, mang lại thu nhập cao cho những người dân sống ở vùng đệm và vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Tất cả những chính sách sẽ đóng vai trò “đòn bẩy” quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho đồng bào DTTS sống ở vùng đặc thù. Tuy nhiên, chính người Arem, người Bru Vân Kiều cũng phải có động lực, có khát khao vươn lên mạnh mẽ, thì đời sống mới được nâng lên, quê hương mới ngày càng giàu đẹp.