Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi: Tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng

THANH HUYỀN - 15:34, 01/10/2019

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.Trong đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.

Cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi.
Cần sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Bản Máy, thuộc huyện vùng cao, biên giới Hoàng Su Phì (Hà Giang). Trường có cơ sở khang trang, có đầy đủ chỗ ăn ở, sinh hoạt cho các em học sinh DTTS. Mới đây, từ nguồn huy động xã hội hóa của huyện, nhà trường đã khánh thành thêm một dãy nhà ở bán trú cho học sinh. Toàn trường có 406 học sinh, là con em các dân tộc: Phù Lá, La Chí… trong đó có 211 em nhà xa, phải ở bán trú. 

Con đường học tập của con em các DTTS ở đây vẫn còn nhiều gian nan, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên gánh nặng học tập đã vơi đi rất nhiều. Cô giáo Vũ Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A chia sẻ: “Các chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi đã giúp các em học sinh DTTS có điều kiện được học tập tốt. Nếu không có những chính sách này, những gia đình DTTS nghèo, ở bản xa sẽ khó có thể cho con em mình theo học”.

 Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc về kết quả 10 năm thực hiện chính sách GD&ĐT vùng DTTS và miền núi, nhờ sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS và miền núi đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường PTDTNT, PTDTBT…) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Trên 50% học sinh của các trường này thi đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng; 5% học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương…

Hiện cả nước có 14 trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề cho con em đồng bào DTTS. Hầu hết các xã có trường mầm non, 100% xã có trường tiểu học, THCS, trung tâm cụm xã có trường THPT… Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song chất lượng GD&ĐT ở vùng DTTS và miền núi nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Các lĩnh vực đầu tư phát triển giữa các lĩnh vực trong công tác GD&ĐT vùng DTTS chưa đồng đều. Một số chính sách chưa thỏa mãn yêu cầu thực tế, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội đối với GD&ĐT vùng DTTS. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục…

Dự thảo Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi đặt ra mục tiêu: 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; bảo đảm có từ 10-12% số học sinh DTTS trong độ tuổi THPT được hưởng chính sách trường PTDTNT. Phấn đấu ít nhất 99% trẻ em 5 tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, 97% trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1; trên 95% người DTTS trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động biết chữ…

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách mới và sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách hiện hành nhằm tạo điều kiện cho GD&ĐT vùng DTTS, miền núi phát triển thuận lợi và thực chất hơn. Chính sách cho GD&ĐT vùng DTTS, miền núi sẽ chuyển từ hỗ trợ sang tạo cơ hội, tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng GD&ĐT vùng DTTS, miền núi.