Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Công khai bán động vật hoang dã tại chợ phiên Bắc Hà

PV - 16:42, 24/09/2020

Thời gian gần đây, việc bẫy, bắt, mua bán động vật hoang dã tại chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) ngày Chủ nhật lại diễn ra công khai và nhiều hơn.

Sóc và dúi rừng nhốt trong lồng bẫy mang bán.
Sóc và dúi rừng nhốt trong lồng bẫy mang bán.

Đến chợ phiên Bắc Hà ngày Chủ nhật 6/9, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân địa phương đã tập trung rất đông ở khu bán động vật hoang dã tự phát nằm ngay cạnh bờ hồ Na Cồ. Tại đây, nhiều loài động vật hoang dã bị người dân bẫy, bắt được rao bán, trong đó có các loài như sóc, dúi, gà rừng, diều hâu và nhiều loài chim quý hiếm. Khu vực bán động vật hoang dã ở chợ phiên Bắc Hà được người dân chia thành 2 khu, khu buôn bán chim và khu bán động vật khác.

Ở khu buôn bán chim, người ta nhốt mỗi con chim một lồng riêng biệt và treo lên cây, với lý do là chim đã được nuôi thuần và nuôi từ lâu như họa mi, khướu… nên mang ra chợ để chơi, nhưng nếu du khách muốn mua thì sẽ bán. Chim mang đến đây được bán với giá rất cao, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một con. Còn tại khu chuyên bán những loài động vật hoang dã mới được bẫy, bắt thì nhiều loại hơn, như sóc, cáo, cầy, khỉ...

Anh Ma A Páo, nhà ở xã Tả Văn Chư (Bắc Hà) bày bán một số con sóc, chuột rừng và chim cho biết: Các loài chim và thú bây giờ ít bắt được nên có giá cao lắm. Như chim chào mào, cách đây 2 năm chỉ có giá 30.000 đồng/con thì nay từ 200.000 đến 300.000 đồng/con tùy vào hình dáng, sở thích của người mua; con sóc, dúi rừng cũng vậy, trước đây chỉ 100.000 đến 200.000 đồng/kg nhưng nay có giá 400.000 đồng/kg. Riêng gà rừng thì đắt hơn vì chỉ bán theo con, mỗi con trống có giá 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng, còn gà rừng mái thì rẻ hơn, tầm 200 - 300 nghìn đồng/con.

Khi được hỏi các loài này có nuôi được không thì anh khẳng định: Toàn là bẫy về đấy, không nuôi được đâu!

Còn anh Sùng Seo Mềnh, đến từ xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, hai tay cầm lồng rao bán 2 con chim họa mi cho biết: Bây giờ chim họa mi và khướu giá đắt lắm, nếu chim giữ được dáng đẹp thì giá rất cao, từ 5 đến 10 triệu đồng/con. Ở đây có cả chim họa mi được buôn từ Trung Quốc về, nhưng giá rẻ hơn. Riêng chim khướu thì 100% là bẫy ở rừng chứ không ai mua hàng nhập đâu.

Dẫn chúng tôi đi một vòng khu bán động vật, anh Mềnh giới thiệu một số người mà anh quen, những người này thường xuyên mua gom chim, thú rừng ở các địa phương trong tỉnh mang đến chợ phiên Bắc Hà bán. Một người buôn chim họa mi đến từ xã Nậm Mòn (Bắc Hà) cho biết: Hằng tuần anh vẫn mua gom chim hoang dã mang về các chợ vùng cao để bán, hoặc bán cho lái buôn phía Trung Quốc.

Việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn diễn ra công khai tại chợ Bắc Hà. Được biết, đầu năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý và kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố về vấn đề này.

Đặc biệt, nhiều tổ chức đã khuyến cáo, động vật hoang dã được cho là nguyên nhân làm lây lan một số bệnh dịch sang người, nhưng ở Bắc Hà, không những người dân vẫn bắt, bán động vật hoang dã, mà còn buôn từ Trung Quốc về sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lò Văn Ngoan, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Trước thực trạng bắt, bán động vật hoang dã tại một số địa phương, đơn vị đã nắm được và cũng đã tham mưu cho Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Tuy nhiên, việc bắt, bẫy động vật do người dân sống ở khu vực ven rừng thực hiện vẫn diễn ra.

“Về phía đơn vị, chúng tôi phối hợp thường xuyên với các địa phương, cử cán bộ cơ động tham gia kiểm soát, xử lý việc bẫy, bắt động vật rừng, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tại các địa phương có rừng hoặc cận rừng” - ông Ngoan nói.