Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nạn buôn bán động vật hoang dã chưa giảm nhiệt

Đông Xuyên - 11:38, 04/11/2019

Mặc dù môi trường rừng của Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, nhưng các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam lại không hề giảm nhiệt. Đáng lo ngại, hiện nay các đối tượng tìm kiếm nguồn hàng không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng ra quốc tế.

Thả ĐVHD về môi trường tự nhiên.
Thả ĐVHD về môi trường tự nhiên.

Điểm đen của động vật hoang dã

Theo nghiên cứu từ các tổ chức bảo vệ ĐVHD quốc tế, Việt Nam là điểm đến số 1 thế giới của các loại sừng tê giác, các bộ phận của hổ, ngà voi, vẩy tê tê. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), cho biết, năm 2015, đỉnh điểm 1.300 cá thể tê giác bị giết ở Nam Phi. Theo đó, nhiều sản phẩm từ loài này đã đến Việt Nam. 

Còn theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ năm 2018 đến nay, ở Việt Nam có 1.504 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD. Theo đó, cơ quan chức năng thu giữ 41.328kg các cá thể và sản phẩm từ ĐVHD, thu về ngân sách 16 tỷ đồng tiền phạt. Các tỉnh có tỷ lệ cao các vụ vi phạm là Lạng Sơn 102 vụ, Quảng Ninh 69 vụ, Hà Nội 122 vụ. Trong đó, các điểm đặc biệt nóng là điểm giao tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Móng Cái, nơi giáp biên giới với Trung Quốc. 

Không chỉ là điểm đến, Việt Nam còn là một mắt xích quan trọng trong đường dây vận chuyển ĐVHD quốc tế. Bà Nguyễn Hương, Giám đốc truyền thông của Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), cho biết, Việt Nam được coi là quốc gia quan trọng trung chuyển cho đường dây buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm ĐVHD khác từ châu Phi sang các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Do thông thương thuận tiện, kết nối đường xuyên Á thuận lợi, nên các tổ chức tội phạm dễ dàng trung chuyển từ Nam Phi, Congo, Kenya bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không đến Singapore, Malaysia và Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng và Hải Phòng. 

Tăng cường các biện pháp 

Để tăng cường các biện pháp phòng chống tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, hiện nay, Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự đã có nhiều quy định cụ thể về tội phạm, hình phạt để xử lý loại tội phạm này. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nói chung và bảo vệ cũng như xử lý, xử phạt các vi phạm về ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm còn chưa thật sự đồng bộ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, việc áp dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Trên cơ sở nghiên cứu và thực tiễn, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, quản lý về bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, hệ thống pháp luật sẽ được sửa đổi để khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ quy phạm pháp luật nhằm tăng tính phòng ngừa, răn đe tội phạm vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD, quý hiếm. Đồng thời, các lực lượng chức năng như Hải quan, Kiểm lâm, Biên phòng sẽ tăng cường trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, phương thức, thủ đoạn các đối tượng; xây dựng kế hoạch liên ngành về tuần tra, kiểm soát…

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS sống trong khu vực có rừng về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD. Đồng thời, tuyên truyền người dân sống ở khu vực biên giới, đường mòn, lối mở không tham gia vận chuyển trái phép ĐVHD. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng cần tuyên truyền cho người trẻ trong xã hội từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD; nâng cao nhận thức người dân trong việc tố giác tội phạm…