Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cơ hội từ điện mặt trời nối lưới

PV - 15:03, 22/01/2018

Tại nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống như: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… điện mặt trời đã được ứng dụng từ những năm 1990 nhưng mới chỉ dừng lại ở mức tự tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, điện mặt trời nối lưới sẽ phát huy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Thậm chí có thể giúp đồng bào DTTS kiếm thêm thu nhập bằng việc bán điện nếu có chính sách thỏa đáng của Nhà nước Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời, khi mật độ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 4,3 kWh/m2, số ngày nắng nóng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm.

Ở khu vực Tây Bắc, bức xạ mặt trời trung bình năm từ 4,1-4,9 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm đạt từ 1.800 - 2.100 giờ nắng, nhất là các tỉnh Điện Biên, Sơn La. Dù ảnh hưởng bởi mùa Đông nhưng từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm hoàn toàn có thể khai thác được điện mặt trời.

Điện mặt trời mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho người dân nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS. (Ảnh: minh họa) Điện mặt trời mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho người dân nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS. (Ảnh: minh họa)

 

Tiềm năng lớn là thế nhưng hình ảnh quen thuộc ở vùng DTTS và miền núi của Việt Nam là cả quả đồi rộng lớn về đêm chỉ le lỏi 1 vài chiếc bóng điện lờ mờ, chỉ đủ để sinh hoạt trong thời gian rất ngắn. Tình trạng thiếu điện năng, điện yếu đang là vấn đề nan giải, không chỉ đơn giản dừng lại ở không có ánh sáng, nó còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác.

Trong khi các dự án nguồn thủy điện lớn đã được khai thác tối đa, các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực về môi trường thì việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, đã và đang là hướng đi mới tại Việt Nam. Trên thực tế, từ những năm 1990 cho đến nay, đã có hàng chục nghìn hộ dân đồng bào nông thôn miền núi, hải đảo được sử dụng điện mặt trời thông qua các dự án tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc này chỉ dừng lại ở mức độ độc lập và không có tính thương mại.

Tại Hội thảo phát triển điện mặt trời ở Việt Nam với chủ đề: Cơ hội và thách thức do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VEA) tổ chức cuối năm 2016, các chuyên gia năng lượng cho rằng, với những hộ dân ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS sản lượng điện tự dùng thấp, lại được ưu đãi nên hoàn toàn có thể kiếm lợi nhuận từ việc bán sản lượng điện thừa lên lưới điện. Nếu triển khai rộng rãi sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người dân miền núi mà còn cho cả quốc gia.

Theo tính toán của Hội Điện lực, với mỗi mái nhà có diện tích khoảng 50 - 60m² là có thể lắp đặt được các tấm pin mặt trời công suất 3 - 4 kW. Tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ hệ thống khoảng 80 - 100 triệu đồng, chỉ sau 6 - 7 năm có thể thu hồi vốn.

Tuy nhiên, đến nay các chính sách về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời chưa đầy đủ, chưa hình thành, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết. Dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng điện mặt trời vẫn chưa phát triển.

Do đó, để mô hình điện mặt trời lắp mái nối lưới quy mô hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển, Nhà nước cần xây dựng cơ chế ưu đãi. Cụ thể, ngoài vấn đề giá còn phải tính đến những hỗ trợ, ưu đãi về nguồn vốn vay, các thủ tục đăng ký lắp, bán điện, thanh toán theo hướng có lợi cho người dân.

HƯƠNG TRÀ