Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyện về những doanh nhân vùng cao

PV - 14:29, 06/07/2021

Họ là những người có ý chí, nghị lực, quyết tâm thay đổi số phận trên chính mảnh đất nghèo khó của mình. Họ đang truyền cảm hứng, góp phần thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Ông Phạm Văn Thuyền (xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hướng dẫn các nhân viên tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Cada.
Ông Phạm Văn Thuyền (xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hướng dẫn các nhân viên tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Cada.

Về bản Khằm, xã Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) nhắc đến cái tên Phạm Văn Thuyền, ai cũng biết, bởi anh đã được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen về doanh nghiệp, doanh nhân phát triển kinh doanh bền vững...

Đi theo sự hướng dẫn, tôi đến Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Tài và gặp anh Thuyền. Thoáng nhìn, người đàn ông năm nay đã xấp xỉ 50 tuổi này khiến tôi không khỏi bất ngờ. Anh giản dị đến mức nếu đứng cạnh nhân viên của mình thì khó nhận ra ai là “sếp”, ai là “lính”. Tôi bông đùa: “Trông anh giống người làm công hơn là ông chủ”. Anh cười hiền: “Công việc nào trong các hoạt động của công ty tôi cũng phải làm một chút mới yên tâm. Càng làm càng say mê, ngồi không là bủn rủn chân tay ngay”. Nói rồi anh vỗ mạnh vào vai tôi cười sảng khoái. Thành đạt là vậy, nhưng cái nết chân chất, khoáng đạt của người vùng cao trong anh vẫn còn đó. Đó là điểm mà những người từng tiếp xúc với anh đều lưu nhớ và trân trọng.

Sau màn chào hỏi, anh Thuyền dẫn tôi đi tham quan một vòng công ty. Anh cho biết, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc diện nghèo khó nhất của xã Hồi Xuân. Ham học nhưng sự nghiệp học hành của anh sớm phải bỏ dở từ năm lớp 7 do cuộc sống gia đình lâm vào khó khăn. Bố bị bệnh mất, là con trai lớn, anh phải thay cha phụ mẹ gánh vác việc gia đình, nuôi các em ăn học. Trong xã, trong bản ai có việc gì thuê thì anh làm. Không có ai thuê thì ngày hôm đó trở về nhà bụng đói, tay không. Chính cái nghèo quay quắt đã thôi thúc anh phải quyết chí vươn lên thoát nghèo.

Đến năm 17 tuổi, anh Thuyền quyết định làm mô hình gia trại tổng hợp. Ban đầu do không có vốn, anh vay mượn của người thân, mua con giống, cây trồng để trồng trọt, chăn nuôi kết hợp làm nương rẫy. Sau đó, anh tự mày mò tìm hiểu trên báo, đài các mô hình kinh tế hiệu quả, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư xây chuồng, mua các giống trâu, bò, cá lồng về chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục trồng các loại cây tre, luồng, gỗ xoan. Dẫu vậy, do thiếu kinh nghiệm cộng với ngành chăn nuôi thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX chưa phát triển nên kết quả thu được không đáng là bao. Anh Thuyền ngậm ngùi nhận lấy bài học thất bại đầu tiên, nhưng rồi lại nhanh chóng sốc lại tinh thần để chuyển hướng kinh doanh.

“Đó có phải là bản lĩnh của những doanh nhân giỏi?” – tôi ngắt mạch chuyện của anh Thuyền để được hiểu hơn về con người này. Anh điềm đạm trả lời: “Tôi không biết để thành công trong làm ăn kinh tế thì con người ta cần những tố chất nào, riêng tôi, quan trọng nhất phải biết ngã ở chỗ nào đứng dậy chỗ đó, chấp nhận sai, rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi”.

Với bản lĩnh dám dấn thân và tầm nhìn nhạy bén, năm 2007, nắm bắt được những lợi thế từ bước phát triển mới trong đời sống - kinh tế của địa phương, anh Thuyền đã mạnh dạn thành lập HTX với ngành nghề xây dựng, chuyên xây lắp các công trình dân dụng, công trình giao thông thủy lợi, thu hút việc làm, tăng nguồn thu. Năm 2009, anh tiếp tục mở rộng thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Tài, với tổng số vốn điều lệ lên tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt năm 2016, gia đình anh phát triển thêm Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mường Cada, chuyên kinh doanh nghề dịch vụ ăn uống, tham quan du lịch và vui chơi giải trí. Hiện nay, cơ sở thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày.

Thêm một mảnh ghép thú vị nữa về những doanh nhân người DTTS. Đó là câu chuyện dám nghĩ, dám làm của anh Hà Văn Chục (37 tuổi, ở thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát). Xuất phát điểm thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng, phấn đấu, anh Chục đã khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất cằn, trơ sỏi đá của quê hương mình.

Cũng như hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở thị trấn, anh Hà Văn Chục từng có những ngày tháng lăn lộn với khoanh ruộng nhỏ, chăn nuôi vài con trâu, con bò làm kế sinh nhai. Thu nhập không đáng là bao, đủ ăn đã xem như may mắn. Trời không thương, năm nào mưa lũ nhiều có khi còn đói. Vì vậy, anh Chục mang trong mình một khát vọng lớn lao: Phải có được một cuộc sống đủ đầy hơn.

Để hiện thực hóa giấc mơ đó, anh Chục đã đưa ra một quyết định khởi nghiệp từ những viên gạch vồ. Còn sao lại lấy sản xuất gạch vồ làm “bệ phóng” cho giấc mơ đổi khác mà không phải là những con đường khởi nghiệp truyền thống: Đào ao thả cá, nuôi bò, tậu trâu,...?! Thì mãi sau này khi thành công rồi, anh Chục mới mở lòng “Tôi muốn đi một con đường riêng biệt, một định hướng tương lai mới mẻ. Tất nhiên rủi ro sẽ lớn, nhưng nếu cố gắng thành công được, cảm giác hưởng thành quả sẽ ngọt ngào vô cùng!”.

Bởi đi con đường riêng như vậy mà chặng đường dẫn đến thành công của anh Chục cũng không kém phần gian nan. Mang hết vốn liếng, của cải, “cắm” cả sổ đỏ của gia đình đi để chơi một ván bài được, mất với đời, nhiều người bảo anh “gàn”, “dở” rồi sống “vô trách nhiệm”, “lỡ thất bại thì sao”. Dẫu vậy, bỏ ngoài tai những lời nói thị phi, anh Chục dần khiến mọi suy nghĩ nghi kị cùng một sự thừa nhận chung: “Chục là một chàng trai bản lĩnh”.

Thời điểm hiện tại, anh Chục đã xây dựng được cơ sở sản xuất gạch với 8 công nhân lao động thường xuyên, mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường khoảng 5 vạn gạch, thu nhập bình quân khoảng trên 20 triệu đồng. Gạch do cơ sở sản xuất không chỉ được khách hàng trên địa bàn huyện Mường Lát mà ở các huyện lân cận đều ưa chuộng, tin dùng. Tiếp nối thành công từ sản phẩm gạch vồ, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, trong thời gian tới, anh Chục dự định sẽ mở rộng xưởng sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm để nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau, tăng thêm việc làm, đảm bảo hơn nữa nguồn thu nhập của công nhân. Ngoài sản phẩm gạch vồ, anh sẽ nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên chất liệu bột đá và xi măng. Đặc biệt, một phần thu nhập sẽ được anh Chục sử dụng vào mục đích hỗ trợ thanh niên trong bản lập nghiệp để cuộc sống của người dân trong bản được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy vùng DTTS và miền núi phát triển, không thể thiếu vai trò, đóng góp của đội ngũ doanh nhân người DTTS. Những anh Thuyền, anh Chục... và còn nhiều doanh nhân khác nữa ở các địa phương miền núi của tỉnh đã, đang viết lên những câu chuyện khởi nghiệp thật đẹp và để lại cho chúng ta một niềm tin mãnh liệt, rằng: “Đôi bàn tay ta và những kiến thức chắt lọc được từ trong gian khó sẽ giúp ta làm nên tất cả. Chỉ cần có quyết tâm và lòng kiên trì, từ nơi khô cằn, đất sẽ nở hoa”.