Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyển đổi đất dự án: Cần giải quyết hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân

Trọng Bảo - 10:28, 05/05/2020

Ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), nhiều diện tích đất được chính quyền thu hồi, giao cho doanh nghiệp (DN) trồng cao su; do không hiệu quả nên DN được chấp thuận chuyển đổi sang trồng rừng. Trong khi đó, người dân cũng mong muốn được giao đất trồng rừng phát triển kinh tế lại không được chấp thuận.

Do thị trường mủ cao su có nhiều biến động, tỉnh Lào Cai có chủ trương không mở rộng diện tích trồng cao su
Do thị trường mủ cao su có nhiều biến động, tỉnh Lào Cai có chủ trương không mở rộng diện tích trồng cao su

Cách đây 5 năm (2015), Công ty CP Đầu tư và Thương mại LCI (Công ty LCI) được UBND tỉnh Lào Cai đồng ý cho thuê 183ha đất tại khoảnh 1 và 2 thuộc tiểu khu 196, thị trấn Phong Hải, với thời hạn thuê đất 50 năm để thực hiện dự án trồng thử nghiệm cây cao su. Nhưng năm 2019, Công ty LCI làm thủ tục xin đăng ký điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án từ trồng thuần cây cao su sang trồng xen kẽ cao su (70ha) và trồng quế (113ha) trên diện tích đã được cho thuê. 

Sau khi rà soát lại diện tích đất được giao để thực hiện dự án, Công ty phát hiện nhiều diện tích đất đã bị người dân xâm lấn. Cụ thể, trong đơn đề nghị giải quyết xâm lấn đất đai gửi UBND thị trấn Phong Hải tháng 1/2020 vừa qua, Công ty LCI cho biết, hộ gia đình ông La Văn Lỷ và hộ ông La Văn Đông, thôn Tòng Già, thị trấn Phong Hải có hành vi phát dọn và xâm lấn vào phần đất của Công ty đang được giao quản lý và sử dụng. 

Trước đó, Công ty LCI cũng gửi đơn đề nghị tương tự khi phát hiện hộ gia đình ông Vũ Đức Thành trú tại tổ 1, thị trấn Phong Hải thực hiện san gạt, đào ao trái phép trong diện tích rừng thuộc quyền sử dụng của Công ty. Công ty đã nhiều lần đề nghị các hộ gia đình trên chấm dứt hành vi xâm lấn đất đai nhưng không chấp hành. 

Trong khi đó, qua tìm hiểu tại các hộ dân thì cho rằng, Công ty LCI đã không thực hiện đúng cam kết khi được giao quản lý, sử dụng đất. Theo ông Vũ Đức Thành (tổ 1, thị trấn Phong Hải), đất do gia đình ông cải tạo làm ao tại đầu khe đồi chứ không xâm lấn vào đất của Công ty và được đại diện Công ty đồng ý cho làm, với điều kiện phải làm đường vào để hai bên cùng sử dụng. 

“DN sử dụng đất rừng không hiệu quả, không đúng cam kết ban đầu, người dân đề nghị được giao lại cho Nhân dân canh tác. Chúng tôi là nông dân, hiện không có đất sản xuất mà đất DN được giao lại bỏ hoang nhiều năm”, ông La Văn Lỷ bày tỏ.

Ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải cho biết: Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền để người dân và DN thực hiện đúng quy định của pháp luật; đồng thời tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả.

“Chính quyền địa phương hiện cũng chưa có thống kê chính xác diện tích đang chồng chéo, hoặc xâm lấn giữa người dân và DN là bao nhiêu, bởi có những diện tích Công ty và người dân đã thỏa thuận với nhau được thì không vấn đề gì, khi có vướng mắc thì mới lên chính quyền xin giải quyết”, ông Cương thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải, hầu hết diện tích đất người dân và DN đang tranh chấp, trước đây được giao khoán cho người dân thực hiện, sau đó thu hồi lại giao cho DN để trồng cao su. Nay dự án không triển khai đúng như chủ trương được phê duyệt, DN trồng cây quế, người dân thắc mắc sao không thu hồi đất cho DN thuê giao lại cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

“Chúng tôi cũng mong muốn diện tích đất rừng nếu không trồng cao su như dự án, thì cấp trên có thể giao cho dân. Bởi thực tế nhiều hộ dân trên địa bàn đang thiếu đất sản xuất”, ông Cương kiến nghị.