Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

PV - 10:53, 30/07/2018

Những năm trước đây, với hơn 1 mẫu đất sản xuất ven suối của gia đình, ông Hà Chí Thanh ở bản Cóc, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên (Lào Cai) chủ yếu trồng ngô và đậu tương. Tuy nhiên, do đất nằm cạnh suối nên tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra trong mùa mưa lũ, chính vì vậy, tình trạng giảm năng suất, mất mùa là khó tránh khỏi.

Từ tháng 8/2017, được sự hỗ trợ của Dự án Trồng dâu nuôi tằm do Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt triển khai trên địa bàn, ông Thanh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ hơn một mẫu đất sang trồng cây dâu tằm. Sau gần 1 năm chăm sóc, diện tích cây dâu của gia đình ông đã cho thu hoạch lá để làm thức ăn cho tằm.

“Sau 14 ngày chăm nuôi, lứa tằm đầu tiên cho thu hoạch kén. Với 51kg kén, gia đình tôi thu về hơn 6 triệu đồng. Hiện tại, tôi đang nuôi lứa thứ hai. Tính ra, với diện tích hơn 1 mẫu đất này, những năm trước đây trồng ngô, nếu thuận lợi mỗi năm cho thu khoảng 18 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với cây dâu chỉ trong vòng một tháng rưỡi là đã bằng với trồng ngô cả năm rồi mà không lo ngập úng mất mùa”, ông Thanh cho biết.

Chuyển đổi cây trồng Hàng chục ha đất sản xuất thường xuyên bị ngập úng ở huyện Bảo Yên đã được chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao.

Theo ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên thì, hiện nay cây dâu tằm đang là một trong những cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cầu ngành Nông nghiệp của huyện. Hiện tại, toàn huyện đã trồng được gần 40ha cây dâu tại 2 xã Việt Tiến và Minh Tân với gần 200 hộ nông dân tham gia. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dâu để phát triển nuôi tằm tại những vùng có điều kiện phù hợp.

“Quan trọng hơn đó là đối với những diện tích quy hoạch trồng dâu hầu hết là vùng thường xuyên bị úng ngập rất khó để trồng các loại cây khác, mà hiệu quả kinh tế từ việc trồng dâu nuôi tằm cao hơn gấp 5-6 lần so với trồng ngô, trồng lúa”, ông Quang nhấn mạnh.

Lâu nay, xã Quang Kim được coi là rốn lũ của huyện Bát Xát. Chỉ tính riêng trong trận mưa lũ lịch sử vào tháng 8/2016 hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân bị mất trắng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Để giảm thiểu thiệt hại và chủ động ứng phó với mưa lũ, từ năm 2017 đến nay, tại các khu vực có nguy cơ cao bị ngập xã Quang Kim đã chuyển đổi sang trồng các cây ngắn ngày, vừa tận dụng được diện tích đất sản xuất, vừa giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân.

Gia đình chị Liềng Thị Sun ở thôn Làng San, xã Quang Kim có hơn 2 sào đất sản xuất thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lũ. Từ năm 2017, gia đình chị Sun đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng rau. “Cùng diện tích đất này, trước đây trồng lúa mỗi năm 2 vụ, trừ chi phí gia đình chỉ thu về khoảng 3 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng rau ngắn ngày, tính ra mỗi năm thu về trên 10 triệu đồng. Trồng rau thì mình cũng chủ động tránh được những thời điểm thường hay có lũ về”, chị Sun chia sẻ.

Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Tính đến thời điểm này, xã đã chuyển đổi 80ha đất sản xuất sang trồng cây ngắn ngày (chủ yếu là trồng rau sạch cung ứng cho thị trường TP. Lào Cai và các vùng lân cận). Đây là những diện tích thường xuyên bị úng ngập, nguy cơ cao mất mùa. “Với năng suất bình quân trồng rau đạt 130 tạ/ha, với diện tích chuyển đổi này mỗi năm cho bà con thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa mà lại không lo mất mùa do mưa lũ”.

Theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm gắn với việc thích ứng biến đổi khí hậu..., thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa; phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Những diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, ngập úng sẽ được chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp.

“Đến nay, đã có hàng trăm ha đất được chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp: rau ngắn ngày, dâu tằm, cây ăn quả chịu hạn, chịu ngập úng... Qua đó, đã tận dụng được diện tích đất mà trước đây rất khó canh tác để đưa vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người nông dân”, ông Nhẫn thông tin.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Phát triển nông thôn thích ứng với thiên tai ở 6 tỉnh miền núi Tây Bắc gồm: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Ðiện Biên và Sơn La. Theo đó, Dự án sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng bền vững, chống chịu với thời tiết, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ các tác động tiêu cực có thể xảy ra do thiên tai tại vùng nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào DTTS...

TRỌNG BẢO