Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam

Hồng Phúc - Trương Vui - 09:59, 01/03/2023

Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), tối 28/ 2, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Văn hóa - Hội tụ - Bản sắc và phát triển” với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Chương trình
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Chương trình

Tiếp theo thành công của Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Phim tài liệu và Tuần phim kỷ niệm, hôm nay, tại thủ đô Hà Nội - “nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hoạt động kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử”.

Chương trình có sự tham gia của các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL); các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các liên hiệp hội, các hội cùng với các phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định: Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể Nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Nhìn lại để tiến xa hơn, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Chương trình
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Chương trình

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những tư tưởng lớn - dân tộc - khoa học - đại chúng với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá và tính nhân văn sâu sắc trong đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đã thổi luồng gió mới, có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng Nhân dân. Từ trong khủng hoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc, nhiều văn nghệ sĩ đã được định hướng về trách nhiệm xã hội đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc.

"80 năm qua, đặc biệt gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng và sự hòa quện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của Nhân dân. Được bảo tồn, phát huy từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội". Thủ tướng Chính phủ Phạm minh Chính khẳng định.

Trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ, những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam được dàn dựng công phu với nhiều tiết mục đặc sắc

Cùng với đó, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấu sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc ta.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; đầu tư thích đáng cả về nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo Thủ tướng, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện nhiều hơn nữa điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc và phù hợp với văn hóa, điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, phát huy tối đa sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải gắn kết chặt chẽ văn hóa với các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tối đa các giá trị của chiều sâu văn hóa Việt Nam. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hoá, đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; chủ động nâng cao sức đề kháng của Nhân dân đối với các văn hóa xấu độc.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha, Kẻ Bàng, Nhã nhạc Cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, hát Then, Xòe Thái, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử gồm 3 chương:

Chương 1: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Chương 2: Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa

Chương 3: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Các tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, quy tụ những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng, Nhóm Phương Nam, Vũ đoàn Mây...

Đặc biệt, có hai ca khúc được Ban tổ chức đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho chương trình là “Ngọn đuốc soi đường” (lời: NSND Trần Bình, nhạc: Đức Trịnh), “Văn hóa trường tồn cùng dân tộc” (Trọng Đài).

Chương trình đã góp phần làm nổi bật, khẳng định giá trị, vai trò, sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua. Đồng thời phản ánh những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Một số hình ảnh tại Chương trình

Đoàn Nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an biểu diễn tại Chương trình
Đoàn Nghệ thuật trống hội Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an biểu diễn tại Chương trình
Chương trình nghệ thuật với các tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng
Chương trình nghệ thuật với các tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 5
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 6
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 7
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 8
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 9
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 10
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 11
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 12
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam 13