Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Chương trình MTQG 1719 nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS huyện Thuận Bắc

Thái Sơn Ngọc - 19:45, 23/09/2024

Huyện Thuận Bắc là một trong những địa phương của tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ đất ở, nhà ở giúp người dân an cư lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Đồng thời hỗ trợ con giống gia súc, thiết bị nông nghiệp tạo sinh kế cho người nghèo có điều kiện sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Thị Gái, dân tộc Raglai ở xã Bắc Sơn được hỗ trợ máy băm cỏ, máy cắt cỏ, thùng Inox chứa nước sinh hoạt gia đình.
Chị Thị Gái, dân tộc Raglai ở xã Bắc Sơn được hỗ trợ máy băm cỏ, máy cắt cỏ, thùng Inox chứa nước sinh hoạt gia đình

Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết, toàn huyện có 11.310 hộ với 49.678 khẩu, đồng bào DTTS có 6.999 hộ với 33.414 khẩu, chiếm 67% dân số toàn huyện, chủ yếu dân tộc Raglay và Chăm. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, huyện hỗ trợ kinh phí trên 20.100 triệu đồng thực hiện 61 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chủ yếu chăn nuôi bò, dê và heo đen sinh sản. Có 7.130 lượt hộ được vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền 294.270 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mở rộng sản xuất. Nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư bước đầu phát huy tốt hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào DTTS và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo huyện Thuận Bắc giảm trung bình 4 - 5%/năm…

Trong 3 năm (2022- 2024), thực hiện Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt huyện Thuận Bắc được Nhà nước đầu tư 18.383 triệu đồng. Đến nay đã giải ngân 18.012 triệu đồng, hỗ trợ 725 hộ đồng bào DTTS thuộc diện nghèo trên địa bàn 5 xã vùng đặc biệt khó khăn gồm Phước Chiến, Phước Kháng, Bắc Sơn, Công Hải, Lợi Hải. Hỗ trợ mua sắm nông cụ chuyển đổi nghề 5.171 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ nghèo 527,9 triệu đồng. Đồng bào DTTS có 273 hộ được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/NĐ-CP với kinh phí 17.530 triệu đồng. Trong 3 năm qua, Thuận Bắc cũng đã huy động các nguồn lực xã hội trên 64.200 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Bảo đảm 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông xi măng, bê tông nhựa nóng. Trên 98% số hộ vùng đồng bào DTTS và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch sinh hoạt…

Gia đình chị Dương Thị Gánh, dân tộc Chăm ở xã Bắc Sơn được hỗ trợ thiết bị nông nghiệp, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập bảo đảm đời sống gia đình.
Gia đình chị Dương Thị Gánh, dân tộc Chăm ở xã Bắc Sơn được hỗ trợ thiết bị nông nghiệp, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập bảo đảm đời sống gia đình

Về xã Bắc Sơn, chúng tôi ghi nhận đời sống đồng bào DTTS ở thôn Bỉnh Nghĩa và thôn Xóm Bằng ngày càng khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới xây khang trang. Ông Mang Sạch, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, toàn xã có 1.467 hộ với 7.751 nhân khẩu đồng bào DTTS, chiếm 69,5% dân số toàn xã. Trong đó có 410 hộ với 2.411 khẩu đồng bào DTTS thuộc diện nghèo do đông con, thiếu đất sản xuất, thiếu phương tiện làm ăn. Từ 2022 - 2024, Dự án 1 Chương trình MTQG 1719, đầu tư cho xã Bắc Sơn trên 2.412 triệu đồng, giúp cho 196 hộ nghèo mua sắm phương tiện sản xuất, giống gia súc, tạo sinh kế giúp bà con bước đầu phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đồng thời đầu tư 12.012 triệu đồng thi công mặt bằng hạ tầng đất ở và xây dựng nhà ở cho 106 hộ nghèo đồng bào Raglay tại địa phương.

Sáng 22/9/2024, chúng tôi đến thăm gia đình anh Sầm Văn Xá, 48 tuổi dân tộc Chăm, nhà ở sát chân núi Tà Lót thuộc địa bàn thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn. Vừa bỏ rơm và rau muống xanh tươi vừa cắt từ vườn nhà cho bò ăn, anh Xá phấn khởi chia sẻ niềm vui: “Nhờ có Chương trình MTQG 1719 của Chính phủ, chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình tôi một con bò cái giống, máy gieo giống, máy cắt cỏ, bình bơm thuốc bảo vệ thực vật, thùng Inox chứa nước sinh hoạt. Từ con bò giống của Nhà nước cấp, tôi nhận nuôi rẽ thêm 4 con bò cái của người dân địa phương theo phương án bò đẻ ăn chia 1/1. Con bò cái giống được Nhà nước hỗ trợ qua hơn một năm nuôi dưỡng sinh trưởng tốt”.

Ông Sầm Văn Xá, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn chăm sóc những con bò được hỗ trợ từ nguồn vốn Dự án 1 Chương trình 1719.
Ông Sầm Văn Xá, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn chăm sóc những con bò được hỗ trợ từ nguồn vốn Dự án 1 Chương trình 1719

Trao đổi với chúng tôi, anh Xá bộc bạch, nhờ có máy gieo hạt giúp anh đi gieo lúa cho bà con thôn Bỉnh Nghĩa 4 - 5 ha/vụ, với thù lao 500.000 đồng/ha. Nhờ đó giúp anh có thêm thu nhập nuôi 6 người con ăn học, trong đó có cháu Sầm Kỷ Đằng, sinh viên năm thứ hai ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Trà Vinh. Vợ chồng anh Xá nỗ lực lao động dành dụm vốn liếng quyết tâm nuôi con ăn học thành đạt, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết thêm, trong thời gian tới, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đồng thuận chung tay triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719. Hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ đất ở, nhà ở, phương tiện sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Thuận Bắc.