Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Chương trình MTQG 1719: Làm thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi

Ngọc Chí - 13:57, 05/09/2024

Diện mạo các thôn, làng ở huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) đang từng ngày khởi sắc, đời sống đồng bào DTTS ngày một ấm no, sung túc hơn. Kết quả đó là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) và các chính sách dân tộc.

Diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi đang từng ngày đổi thay
Diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi đang từng ngày đổi thay

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, huyện có 07 xã và 01 thị trấn (trong đó có 05 xã biên giới), với 68 thôn, làng, tổ dân phố. Dân số toàn huyện 66.180 người, đồng bào DTTS chiếm 57%, với 17 dân tộc cùng sinh sống.

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, huyện Ngọc Hồi đã tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và hỗ trợ sinh kế để đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống.

Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 được huyện Ngọc Hồi tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các thôn, làng vùng đồng bào DTTS
Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 được huyện Ngọc Hồi, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các thôn, làng vùng đồng bào DTTS

Bà Y Lan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong những năm qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc. Các nội dung chính sách đã bám sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. 

Trong đó, chú trọng tập trung thực hiện các Chương trình MTQG, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất; khuyến khích thu hút đầu tư vào vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

Riêng Chương trình MTQG 1719, với tổng vốn được giao thực hiện hơn 136 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay, huyện Ngọc Hồi đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 3 hộ, nhà ở cho 8 hộ, đất sản xuất 16 hộ; chuyển đổi nghề cho 127 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 158 hộ; đầu tư 1 Dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho 1.041 hộ; 1 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con Nhân dân trên địa bàn xã Đắk Ang; đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông, sản xuất, sinh hoạt văn hóa, học tập, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS và triển khai nhiều nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Mô hình hỗ trợ bò cái sinh sản đang phát huy hiệu quả tích cực
Mô hình hỗ trợ bò cái sinh sản đang phát huy hiệu quả tích cực

Ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các chính sách dân tộc, xã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hỗ trợ cho bà con về cây, con giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Xã cũng xác định thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, sẽ giúp cho xã sớm hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Huyện Ngọc Hồi cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân các dân tộc về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và chính sách đối với đồng bào DTTS; vận dụng sáng tạo hiệu quả các chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội đối với từng địa bàn để phát huy, khai thác những tiềm năng, thế mạnh sẵn có và huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển.

Thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS

Xã Đăk Ang có 6 thôn, với hơn 5.300 nhân khẩu; trong đó, đồng bào DTTS chiếm 96%. Từ nguồn lực đầu tư của các Chương trình MTTQ, đặc biệt là hơn 10 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719 đã giúp xã đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao đời sống Nhân dân. Hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,38%... Năm 2024, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và cũng là xã cuối cùng của huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông A Nuy, Già làng thôn Đăk Giá 2, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi cho biết: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư rất nhiều cho vùng đồng bào DTTS, riêng trên địa bàn xã thì đường giao thông, cầu đã được bê tông hóa; trường học được đầu tư khang trang; hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sản xuất. Bà con rất phấn khởi vì cuộc sống đã đổi thay, không còn nghèo khó như trước.

Nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS tham gia mô hình liên kết trồng sả Java
Nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS tham gia mô hình liên kết trồng sả Java

Bà Y Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ang, cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các Chương trình MTQG khác, xã luôn nhận được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Như khi làm đường giao thông, Nhân dân tham gia hiến đất, góp ngày công; hỗ trợ sản xuất thì Nhân dân chăm lo phát triển sản xuất, nhiều hộ còn mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất. Chính từ những nỗ lực chung tay này mà xã đã về đích nông thôn mới.

Với nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi đã có những chuyển biến rõ rệt, kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư, nâng cấp, góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, thay đổi tập quán canh tác; ý thức phát huy nội lực chuyển biến tích cực, tinh thần cộng đồng luôn được phát huy; đời sống Nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 giảm còn 2,95%; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được thắt chặt.

Chị Y Tranh, thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, chia sẻ: Trước đây, chị chỉ quen trồng lúa rẫy và các giống lúa địa phương nên năng suất thấp. Năm 2022, gia đình được xã hỗ trợ tham gia mô hình trồng lúa năng suất cao ST25, xã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình trồng diện tích 2 sào, chăm sóc đúng kỹ thuật nên lúa phát triển rất tốt, thu hoạch 2 sào được hơn 1 tấn lúa. Từ đó đến nay, gia đình đã chuyển qua trồng giống lúa ST 25.

Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, đồng bào DTTS thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đã chuyển qua trồng giống lúa ST25 chất lượng cao
Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, đồng bào DTTS thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đã chuyển qua trồng giống lúa ST25 chất lượng cao

Ông A Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết: Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 về “phát triển sản xuất nông lâm nghiệp bền vững”, thuộc Chương trình MTQG 1719, năm 2022 xã triển khai mô hình trồng lúa năng suất cao ST25, với diện tích hơn 6ha có 32 hộ đồng bào DTTS tham gia.

Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, với năng suất bình quân hơn 5 tấn/1ha. Hơn hết, là đã giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng các loại giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, mô hình đang được các hộ tiếp tục nhân rộng.

Đến nay, huyện Ngọc Hồi có 7/7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó, có 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 7 thôn được công nhận thôn nông thôn mới vùng đồng bào DTTS; huyện đã đạt 6/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát triển. Hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS được củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định.

Bà Y Lan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Qua triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các chính sách dân tộc trên địa bàn, các nội dung chính sách đã bám sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. 

Hiệu quả mang lại từ chính sách ngày được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng dân trí; kinh tế đời sống xã hội của Nhân dân không ngừng được nâng lên, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của huyện nhà, hòa chung với sự phát triển chung của tỉnh Kon Tum.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).