Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Chương trình MTQG 1719 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS Vĩnh Long

Như Tâm - 09:16, 25/12/2024

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả nổi bật, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tích cực hơn để tháo gỡ. Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc, Phó Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG 1719 tỉnh Vĩnh Long để có thông tin rõ hơn về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn thời gian qua.

Ông Thạch Dương (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc và các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV, năm 2024
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; ông Thạch Dương (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm với các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV, năm 2024

PV: Xin ông cho biết một số nét cơ bản về đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long?

Ông Thạch Dương: Vĩnh Long là tỉnh thuộc trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích hơn 1.500km² và dân số trên 1 triệu người. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 2,6%, với dân tộc Khmer chiếm 2,21%, kế tiếp là dân tộc Hoa chiếm 0,31%. Đồng bào DTTS sống tập trung ở các huyện Trà Ôn và Tam Bình. 

So với mặt bằng chung, đời sống kinh tế-xã hội ở những địa bàn này có nhiều hạn chế do khó khăn về hạ tầng cơ sở, đời sống và trình độ phát triển của đồng bào không đồng đều. Mặc dù, dân số đồng bào DTTS không lớn, nhưng đây là cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sở hữu các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. 

Vì vậy, tỉnh Vĩnh Long đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy vùng đồng bào phát triển, trong đó là tập trung nâng cao chất lượng sống cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình hỗ trợ và chính sách đặc thù. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các vùng vẫn còn tương đối lớn, cần thực hện nhiều giải pháp để rút dần khoảng cách trong thời gian tới.

Ông Thạch Dương, Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long
Ông Thạch Dương, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long

PV: Qua tìm hiểu, những năm qua Chương trình MTQ 1719 đang nhận được sự quan tâm của tỉnh, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện các nội dung, dự án của Chương trình ?

Ông Thạch Dương: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2023, tổng nguồn vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương là 69.457 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển chiếm 65.502 triệu đồng. Riêng năm 2024, vốn ngân sách Trung ương  phê duyệt cho Chương trình là 160.912 triệu đồng.

Từ nguồn vốn được giao, trong 3 năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, trường học và cơ sở y tế tại các vùng khó khăn. Đến cuối năm 2023, đã có 100% xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Long có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; khoảng 90% khóm, ấp vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 

Tại các huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống như Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Thị xã Bình Minh, tổng cộng đã đầu tư xây dựng 122 công trình hạ tầng, với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Có thể thấy rõ nhất là những con đường bê tông mới nối liền các xã vùng sâu, vùng xa, không chỉ giúp người dân thuận lợi trong đi lại, mà còn tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa.

Một kết quả đáng chú ý khác, là việc hỗ trợ phát triển kinh tế. Thông qua các dự án của Chương trình, đồng bào DTTS được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất và tiếp cận vốn vay ưu đãi. Kết quả, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi thành công mô hình sản xuất, nâng cao năng suất và thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm mạnh từ 18,76% năm 2019 xuống còn 3,44% vào cuối năm 2023, vượt chỉ tiêu giảm nghèo bình quân 3%/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung vào lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh DTTS đã được triển khai, giúp tăng tỷ lệ đến trường và nâng cao chất lượng học tập. Đồng thời, các lễ hội truyền thống, làng nghề và các giá trị văn hóa của đồng bào được khôi phục và phát huy, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.

Đến nay, 75/87 xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (86,2%), trong đó có 35 xã đạt chuẩn nâng cao và 5 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Đối với 5 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể nói, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, mặc dù vẫn còn những hạn chế và khó khăn, nhưng về cơ bản, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Vĩnh long đã có nhiều công trình giao thôn nông thôn được đầu tư nâng cấp
Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Vĩnh long đã có nhiều công trình giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp

PV: Chương trình MTQG 1719 là một Chương trình mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần nên khi triển khai, ở hầu hết các địa phương đều đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Vậy những khó khăn, vướng mắc ở tỉnh Vĩnh Long là gì, giải pháp để tháo gỡ như thế nào, thưa ông?

Ông Thạch Dương: Khó khăn đầu tiên là nguồn lực tài chính. Mặc dù được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nhưng nguồn lực này vẫn chưa đủ để đáp ứng hết các nhu cầu phát triển. Đặc biệt, các xã khu vực III cần đầu tư lớn hơn để thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, triển khai thực hiện Chương trình ở một số cơ quan, đơn vị có liên quan và ở địa phương còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện Chương trình còn thấp. Trong khi đó, có tình trạng một số dự án được Trung ương bố trí vốn nhưng không có đối tượng thụ hưởng, có dự án chỉ tiêu còn ít, nhưng Trung ương bố trí vốn nhiều hơn, có dự án còn nhiều chỉ tiêu, nhưng lại được bố trí ít vốn hoặc không có.

Một vấn đề khác là đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc phải kiêm nhiệm nhiều việc nên trong thực hiện nhiệm vụ chưa được sâu sát. Đội ngũ này vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm và chuyên môn, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án phức tạp.

Cuối cùng, điều kiện địa lý phức tạp và giao thông khó khăn tại một số xã vùng sâu cũng làm chậm tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình hạ tầng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, nội dung của Chương trình MTQG 1719, chúng tôi nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ từ các cấp lãnh đạo, cùng với nguồn lực tài chính được phân bổ kịp thời để thực hiện Chương trình. 

Đặc biệt, đồng bào DTTS ở Vĩnh Long cũng rất tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các dự án phát triển, với tỷ lệ tham gia vào các dự án hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội đạt trên 85%.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân tộc, tham gia tổ chức thực hiện, quản lý các dự án, trong giai đoạn 2019-2024,  Vĩnh Long cũng đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân tộc cho khoảng 200 cán bộ thực hiện công tác DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.