Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chùa Khmer - “đạo và đời”: Lan tỏa lòng nhân ái (Bài cuối)

Hạnh Nguyên - 14:58, 29/08/2022

Bao năm qua, cùng với việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, các vị sư đáng kính trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh Tây Nam bộ còn âm thầm lặng lẽ làm nhiều việc thiện nguyện, chung tay góp phần nâng cao đời sống đồng bào, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Hội Đoàn kết sư sãi thị xã Vĩnh Châu trao nhà hộ Khmer khó khăn
Hội Đoàn kết sư sãi thị xã Vĩnh Châu trao nhà cho hộ dân tộc Khmer khó khăn

Góp sức chăm lo cho người nghèo

Tại Kiên Giang có 76 ngôi chùa Khmer, nét đẹp văn hoá từ “cho” và “nhận” đã mang ý nghĩ đầy ắp yêu thương giữa phật tử với những tấm lòng nhân ái, từ bi của các nhà sư để giúp những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào nghèo có cuộc sống tốt hơn.

Về vùng An Biên (Kiên Giang), chúng ta sẽ cảm nhận rõ nét những thay đổi ở vùng đồng bào Khmer. Nơi đây có Đại đức Danh Nâng, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Chánh Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Thứ Năm (An Biên), là người có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn hóa và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

 Đại dức Danh Nâng, đi từng phum sóc tìm những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ nhà tình thương
Đại dức Danh Nâng, đi từng phum sóc tìm những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ nhà tình thương

“Sư vận động quanh năm, ai khó khăn về mặt nào mình giúp chỗ đó, bệnh tật, ốm đau không làm được, thì sư vận động cho tiền cho gạo. Vận động được nhiều thì xây nhà, chỗ nào ngăn sông cách trở thì sư vận động làm cầu. Muốn thành công trong vận động an sinh, thì trước tiên mình phải làm bằng cả tấm lòng lúc đó sẽ có mạnh thường quân tiếp sức...”, Đại đức Danh Nâng bộc bạch.

Tương tự, bao năm qua, Đại đức Danh Dung trụ trì chùa Khmer Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận cũng đã mang lại nhiều niềm vui cho bà con ở địa phương bằng những việc làm ý nghĩa. Trong đó, bằng uy tín của mình, từ năm 2007 đến nay, Đại đức đã vận động bắc 14 cây cầu giúp người dân đi lại thuận tiện; xây dựng được hơn 60 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn, mỗi căn từ 25-50 triệu đồng, giúp cho bà con phật tử có nhà để ở, chú tâm lo việc đồng áng để cùng vươn lên thoát nghèo.

Sư Danh Dung chia sẻ: Khi bắt tay vào làm cầu, số tiền vận động được chưa nhiều, sư cùng các đồng tu đi tìm hiểu và học hỏi, rồi đứng ra thiết kế thi công từ những cây cầu nhỏ, đơn giản, dần dần có kinh nghiệm làm những cây cầu dài và có trọng tải lớn hơn. Bên cạnh đó, được sự đóng góp nhiệt tình của bà con phật tử, số tiền ngày càng nâng lên, sư lại chuyển qua để làm cầu cho nhiều địa phương khác giúp bà con đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa.

Những hành động cụ thể của các nhà chùa đã lan toả trong cộng đồng (Trong ảnh: Các mạnh thường quân thường xuyên phối hợp với chùa tặng quà cho bà con trong phum sóc)
Các mạnh thường quân thường xuyên phối hợp với chùa tặng quà cho bà con trong phum sóc

Căn nhà tử tế từ những tấm lòng

Bao năm qua, các cấp chính quyền, Nhân dân ở nhiều địa phương tỉnh Sóc Trăng luôn nhớ đến Thượng toạ Lý Đức - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, bởi chặng đường phật sự của Thượng toạ, còn gắn liền với các chương trình an sinh xã hội của Hội đoàn kết sư sãi.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Hội tham gia đóng góp quỹ người nghèo, ủng hộ lớp học tình thương, phát quà cho người nghèo, gia đình khó khăn, xây dựng đường nông thôn, cấp tập vở cho các em... với tổng số tiền trên 5,4 tỷ đồng và hàng chục tấn gạo, tặng 5 căn nhà tình thương cho hộ đồng bào Khmer khó khăn về nhà ở.

“Chúng tôi luôn có tâm niệm, tâm đức cùng Đảng, Nhà nước góp ít công sức, tiền, ngày công lao động và vận động các nhà hảo tâm đóng góp, để giúp đỡ đồng bào phật tử còn khó khăn, hỗ trợ cho các em học sinh có điều kiện đến trường học tập, từ đó đóng góp công tác xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương”.

Hoà Thượng Kim Ngọc Toàn trao nhà số 24 đến Bà Tăng Thị Ngữ
Hoà Thượng Kim Ngọc Toàn trao nhà số 24 đến Bà Tăng Thị Ngữ

Tương tự, Hoà thượng Kim Ngọc Toàn, Trụ trì chùa Chà, xã Thanh Sơn huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh luôn nhìn nhận, con người phải “an cư mới lạc nghiệp”, từ đó Hoà thượng cùng các vị chư tăng và ban quản trị chùa, bắt tay vào vận động mạnh thường quân để hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc khó khăn về nhà ở.

Căn nhà thứ 24 được trao cho bà Tăng Thị Ngữ - ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi bà cho biết: “Khi nhận được tin sắp được vào nhà mới ở, tôi vui đến mức không ngủ được, bản thân già yếu, các chế độ Nhà nước hỗ trợ đủ ăn và thuốc uống. Không dám nghĩ đến căn nhà tránh mưa, tránh nắng vì nghĩ đến càng thấy bệnh tật và cuộc sống bế tắc, bởi làm được căn nhà tươm tất để ở là quá sức với con cháu. Cũng may có Hoà thượng và các vị sư đứng ra vận động kinh phí xây nhà. Bây giờ tôi thấy an yên trong căn nhà mới để dưỡng già.”

Tính đến tháng 7/2022, Hoà thượng cùng ban quản trị chùa đã trao căn nhà thứ 25, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng cho 25 hộ. Hiện nay, Hòa thượng cũng đang xúc tiến hoàn thành trao 2 căn cho hộ đồng bào Khmer nghèo.

Lan tỏa giá trị “đạo và đời”

Với lòng từ bi thấu hiểu, Ban Quản trị chùa Bô Tum Vong Sây, Thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh hậu Giang xác định, niềm tin tôn giáo không chỉ dừng lại ở sự giúp cho con người bằng cúng bái và cầu nguyện, mà còn biểu hiện thông qua những hành động thực tiễn. Những hoạt động từ thiện xã hội của phật giáo mang đến cho con người sự hỗ trợ vật chất trong lúc cần thiết, sẽ là niềm an ủi tinh thần lớn lao cho những ai tiếp cận, thụ hưởng.

Trong Đại dịch Covid - 19, các chùa vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa lo cái ăn cho phật tử
Trong Đại dịch Covid - 19, các chùa vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa lo cái ăn cho phật tử

Từ đức tín này, Đại đức Lâm Út Hiền, trụ trì chùa đã cùng các chư tăng, Ban Quản trị vận động mạnh thường quân hỗ trợ thực hiện nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng. Trong bảng ghi công đức của Chùa, trong 5 năm qua, các mạnh thường quân, phật tử đã đến cúng dường cho chùa để xây dựng 6 cây cầu, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; hơn 300 triệu đồng ủng hộ các xã gặp khó khăn trong mùa dịch Covid - 19 năm 2021. Ngoải ra, hằng năm, chùa đều có chủ trương hỗ trợ sinh viên chỗ ở; hỗ trợ học phí cho các vị tu tại chùa có ý chí vươn lên học thạc sĩ, nghiên cứu sinh; hỗ trợ cho các em ở trọ tại chùa thi rớt đại học đi học nghề (lái xe, điêu khắc...).

Còn nhớ câu chuyện, vào thời điểm bùng phát dịch Covid - 19, từng xã khu vực biên giới bị cách ly phòng, chống dịch, vị trụ trì chùa Serey Kandal, toạ lạc phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã liên lạc với Văn phòng thường trú báo Dân tộc và Phát triển tại khu vực Tây Nam bộ đề xuất giải pháp vận chuyển lương thực để hỗ trợ cho đồng bào đang gặp khó khăn do phải cách ly. Từ thiện tâm của các vị sư, đã có gần 10 chuyến xe tải chở hàng mì tôm và thực phẩm được trao tặng đồng bào qua giai đoạn khó khăn.

Có thể thấy, Phật giáo Nam tông Khmer tồn tại lâu bền với đồng bào Khmer, đã khẳng định sự hòa hợp gắn kết giữa “đạo và đời’. Những giá trị đạo đức Phật giáo trong mỗi ngôi chùa đã và đang tiếp tục lan tỏa trong phật tử, đồng bào Khmer. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tinh thần yêu nước, đoàn kết, những nét đẹp trong những ngôi chùa, các vị sư luôn được gìn giữ và phát huy từ đời này sang đời khác…