Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Quan tâm giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị thiết thực của cử tri

PV - 17:12, 21/06/2022

Sáng 21/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đơn vị số 2 tiếp xúc cử tri Quận 1 sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các cử tri. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các cử tri. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng với 18 ý kiến đóng góp của cử tri ngắn gọn, thẳng thắn về nhiều vấn đề thiết thực xuất phát từ thực tiễn và kiến nghị tâm huyết, đóng góp cho Đảng, Nhà nước với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao vì sự phát triển của Quận 1 nói riêng, thành phố nói chung.

Chủ tịch nước cũng thông báo những nội dung chính về kết quả thành công của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, nổi bật là thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để làm nền tảng tổ chức thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; bàn thảo, xem xét một số dự án Luật quan trọng, trong đó có một số dự án Luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân mà cử tri đề cập. Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phát huy tinh thần gương mẫu, quan tâm lắng nghe ý kiến cử tri, tăng cường công tác giám sát chuyên đề, chuyển tải, phản ánh trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội và có nhiều kiến nghị để cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết.

Những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế xã hội đất nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng mà Chủ tịch nước đề cập được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Dù phải chịu tổn thất rất lớn sau đại dịch, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các doanh nghiệp và chung tay vượt khó của nhân dân cả nước, kinh tế nước ta đã dần hồi phục và phát triển, đời sống nhân dân ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Đặc biệt, việc tổ chức thành công SEA Games 31 đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, lan tỏa tinh thần dân tộc, yêu thể thao trong các tầng lớp nhân dân. Công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam được tăng cường, nổi bật là Việt Nam vừa được bầu là Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước cũng biểu dương TP. Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch tàn khốc bằng tinh thần đoàn kết, đùm bọc, quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị và chung sức đồng lòng của nhân dân thành phố, bên cạnh sự chi viện kịp thời của Trung ương. Những điểm sáng rõ nét là kinh tế thành phố tăng trưởng trở lại trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng, du khách quốc tế đến thành phố tăng so cùng kỳ năm trước, giải quyết thêm nhiều việc làm…, cùng với đó là những tín hiệu khởi sắc trong quý II.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nêu rõ những khó khăn, trở ngại trong thời gian tới do tác động của tình hình thế giới và trong nước, tác động của việc tăng giá xăng dầu, chi phí vận tải tăng cao. Việc Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố và các tỉnh trọng điểm phía nam, góp phần tăng cường liên kết vùng, kết nối phát triển kinh tế-xã hội.

Về một số vấn đề trong lĩnh vực y tế mà cử tri đề cập, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực của cán bộ y tế bị xử lý nghiêm minh, đồng thời lưu ý TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách cụ thể để phát triển y tế cơ sở, quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng “thổi phồng”, sai sự thật.

Cho biết Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được thảo luận tại kỳ họp thứ ba vừa qua, Chủ tịch nước đề nghị cần vận động toàn xã hội tích cực lên án hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người yếu thế. Nhấn mạnh trẻ em là tương lai của đất nước, Chủ tịch nước yêu cầu không chỉ quan tâm những vấn đề lớn mà cần phải thấu hiểu, ứng xử phù hợp với trẻ em, quan tâm giải quyết bằng những hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội, trầm cảm sau đại dịch, tai nạn đuối nước. Cùng với đó, thành phố cũng cần quan tâm đến thanh niên, chú trọng bồi đắp lý tưởng, giáo dục kỹ năng sống, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để đổi mới hình thức tuyên truyền hiệu quả, định hướng cho giới trẻ có lối sống lành mạnh, tránh xa thông tin xấu, độc và tệ nạn xã hội.

Đề cập Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng vừa được thảo luận tại kỳ họp thứ ba, Chủ tịch nước nhấn mạnh vấn đề dân chủ ở cơ sở cần được phát huy và quan tâm đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở - những người tích cực tuyên truyền và triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng Nhà nước tại các xã, phường.

Theo Chủ tịch nước, không chỉ nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch, thành phố cần chăm lo hơn nữa tới đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau. Cán bộ cơ sở rà soát, hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình chính sách đồng thời tạo điều kiện cho họ phát huy tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần lắng nghe nguyện vọng của cử tri, rà soát, đánh giá tác động của Pháp lệnh Cựu chiến binh trong thực tiễn để đề xuất sửa đổi, khắc phục bất cập, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho bộ đội phục viên từng tham gia chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc.

Nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh cần phấn đấu là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ dẫn đầu cả nước, Chủ tịch nước lưu ý thành phố cần chú trọng quan tâm sức khỏe tinh thần cho người dân sau đại dịch, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, xử lý hiệu quả các vấn đề về môi trường và kiến nghị tháo gỡ kịp thời về thủ tục về thị thực để phát triển du lịch.

Chủ tịch nước cho biết, là đại biểu Quốc hội Thành phố, Chủ tịch nước sẽ lần lượt lắng nghe ý kiến của cử tri tất cả các quận, huyện; đồng thời tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với một số ngành, lĩnh vực, các giới. Chủ tịch nước tin tưởng với sự ủng hộ của cử tri Quận 1 và toàn thành phố chung sức đồng lòng với Đảng bộ, chính quyền các cấp, thành phố sẽ có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tại buổi tiếp xúc, các ý kiến của cử tri đánh giá cao thành công tốt đẹp của kỳ họp và nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong điều hành, phát triển kinh tế xã hội, quan tâm chăm lo đời sống nhân dân sau đại dịch, quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí với nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, tâm huyết, thẳng thắn phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề quốc kế dân sinh như chính sách cho cán bộ, công chức phường, xã, cán bộ y tế cơ sở; quảng cáo chữa bệnh trên mạng xã hội, cấp thị thực thuận lợi hơn để phục hồi ngành du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, xử lý hồ sơ công nhận chế độ chính sách đối với người có công; giáo dục lý tưởng cho thanh niên…

Đồng tình việc kiên quyết xử lý cán bộ ngành y tế có sai phạm thời gian qua, cử tri Phạm Quang Lâm, phường Đa Kao bày tỏ băn khoăn những “hạt sạn” này làm ảnh hưởng đến tâm lý đến những người trong ngành y tế đang thực thi nhiệm vụ bằng tâm huyết, bằng ý thức tự trọng nghề nghiệp và đề nghị Đảng, Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách để động viên, khích lệ lực lượng này. Đồng quan điểm, cử tri Trần Bá Hà, phường Bến Nghé nêu rõ, nhân dân rất biết ơn đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế trong thời gian chống dịch vừa qua đã tận tụy một lòng phục vụ, chữa bệnh, chống dịch thành công và tha thiết đề nghị Chính phủ và Thành phố nghiên cứu một cách căn cơ về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ y tế cơ sở để đội ngũ này bảo vệ, chăm sóc sức khỏe lâu dài cho nhân dân.

Cử tri Nguyễn Thị Thu Hà, phường Cô Giang nêu vấn đề cần quan tâm chăm sóc trẻ em khi hiện có nhiều trẻ em bị trầm cảm, bị xâm hại và bạo lực học đường. Cử tri cho rằng, giới trẻ đôi khi mất phương hướng, không có điểm tựa nên cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ. Hiện các trường học ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều trường cả nước đã có phòng tham vấn hoặc công tác xã hội học đường. Mô hình này cần được phát triển và mở rộng và muốn vậy, phải có cơ chế chính sách để đội ngũ cán bộ làm công tác này gắn bó với nhà trường./.