Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

PV - 19:04, 12/05/2022

Tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Trung ương vừa qua đã dành nhiều thời gian bàn về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương lần này về đất đai, Quốc hội phải nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội

Sáng 12/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận Đống Đa và trực tuyến đến 56 điểm cầu các quận Ba Đình và Hai Bà Trưng, có 1.200 cử tri tham dự.

Dự Hội nghị có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành thành phố.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu, cử tri đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu, cử tri đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội.

Các đại biểu Quốc hội báo cáo cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp tới; nội dung trả lời của các cơ quan chức năng về kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc lần trước.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư cảm ơn, tiếp thu ý kiến của cử tri ngắn gọn nhưng sâu sắc, tâm huyết, trúng và đúng những vấn đề mà kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ bàn.

Về kiến nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Tổng Bí thư nêu rõ, kiến nghị của cử tri rất trúng và đúng. Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và vô cùng quan trọng; lao động là cha, đất là mẹ của của cải vật chất. Trong thực tế, nhiều người giàu lên từ đất, nghèo đi cũng vì đất, mất tình đồng chí, tình nghĩa anh em gia đình cũng vì đất. 75% số đơn khiếu kiện là do những vấn đề chung quanh đất đai. Hội nghị Trung ương vừa qua cũng đã dành nhiều thời gian bàn về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương lần này về đất đai, Quốc hội phải nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần mới, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất. Nhưng sửa thế nào phải nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, vừa bảo đảm cuộc sống, quyền lợi của nhân dân, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, cho nên phải làm từng bước, chắc chắn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri Thành phố Hà Nội.

Tổng Bí thư cho rằng, với Thủ đô Hà Nội, đất lại càng quý. Bao nhiêu khu công nghiệp, khu đô thị mọc lên, người thì đông lên, nhưng đất đai vẫn có thế. Mong lãnh đạo thành phố đã quan tâm rồi tiếp tục quan tâm hơn, quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý quỹ đất.

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nêu rõ đây là việc chúng ta đã nói và làm từ lâu, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thành lập, rút kinh nghiệm, nhằm làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống nhất rất cao việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Tới đây phải triển khai thực hiện, phải xây dựng cơ chế, quy chế làm việc, sắp xếp cán bộ để thực hiện thật tốt nhiệm vụ gian nan, phức tạp này. Và tinh thần là không chỉ có phòng, chống tham nhũng, mà cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống. Đây là cuộc chiến đấu gian nan, vất vả, không chỉ Trung ương mà tất cả các địa phương cũng phải vào cuộc, trên dưới đồng lòng, không ai được đứng ngoài.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu, báo cáo với đại biểu Quốc hội và cử tri.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu, báo cáo với đại biểu Quốc hội và cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thêm, chỉ từ tháng 1 đến tháng 4/2022, chúng ta đã chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, kịp thời xử lý một số vụ án, vụ việc nổi cộm bức xúc: Đã điều tra 1264 vụ/2.038 bị can; truy tố 742/594 bị cáo; xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo, về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó khởi tố mới 125 vụ/259 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi 4 vụ/23 bị can, truy tố 3 vụ/34 bị cáo,...

Theo Tổng Bí thư, chúng ta đang làm từng bước vững chắc. Không thể không làm được. Cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức, cả nghỉ hưu, cả trong lực lượng công an và quân đội,… Xử rất nghiêm mà luôn nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, xử người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa gì với đồng chí của mình.

Tổng Bí thư chia sẻ, cử tri yên tâm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tinh thần của Trung ương, Bộ Chính trị là quyết tâm làm và phải làm. Nhân đây, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ Thành phố Hà Nội phải đi đầu cả nước, sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hà Nội là Thủ đô văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, không thể để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Tổng Bí thư trao đổi với cử tri Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội và đề nghị Thành ủy tổ chức đợt sinh hoạt chính trị để nghiên cứu, triển khai thực hiện một cách bài bản, xây dựng Thủ đô phát triển ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực,…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu và cử tri đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu và cử tri đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, cử tri Hà Nội đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động của đại biểu Quốc hội có nhiều đổi mới, dân chủ, thiết thực. Công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tuy còn một số vấn đề đặt ra, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai. Việc thông qua một số luật còn chậm, hoặc thông qua, nhưng một thời gian ngắn lại sửa đổi.

Cử tri đề nghị cần tăng cường công tác giám sát bảo vệ tài nguyên đất nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm; quy trách nhiệm rõ ràng đối với cấp, ngành quản lý để xảy ra sai phạm; cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý đào tạo sau đại học; ngăn chặn tiêu cực trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đề tài không gắn với thực tiễn cuộc sống, cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm sai phạm trong đào tạo sau đại học,...

Nhiều cử tri cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cần thiết nhằm tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực phức tạp này.