Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

PV - 07:05, 01/07/2022

Tối 30/6, Tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822-1/7/2022); 30 năm Ngày truyền thống văn hoá tỉnh Bến Tre (1/7/1992-1/7/2022) tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Dự buổi lễ có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bến Tre.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua thử thách, trắc trở của số phận, trở thành một thầy thuốc có y thuật cao, một thày giáo tâm huyết, một nhà thơ đi đầu trong phong trào chống thực dân có ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực và trên thế giới. Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương về tinh thần học tập suốt đời, ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh nguy nan vẫn là hiện thân của nhân cách sống trong sáng, bình dị, cao đẹp nhưng đầy khí chất của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Nam Bộ nói riêng.

Trong thời kỳ đất nước bị họa ngoại xâm, bao nghiệt ngã của cuộc đời dáng lên một con người nhỏ bé, hiền hòa, chất phác, nhưng cũng nhờ đó đã tôi rèn cho ông bản lĩnh và thái độ sống không buông xuôi trước số phận. Là một chí sĩ yêu nước, là nhà thơ lớn của nước ta, là ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc, trước tác của Nguyễn Đình Chiểu đã cho thấy những đóng góp lớn lao của ông đối với văn học nước nhà. Ông trở thành người mở đầu cho trào lưu văn học chống thực dân giành độc lập dân tộc với những tác phẩm tiêu biểu như Lục Vân Tiên, Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh… Tác phẩm của ông có tính thời đại, thể hiện sâu sắc và rõ nét lối sống trọng đạo lý và công bằng xã hội, căm ghét áp bức bất công cho nên có tầm ảnh hưởng sâu sắc qua nhiều thế hệ.

Trong sự nghiệp dạy học, thầy Đồ Chiểu đã dành trọn đời chăm lo dạy dỗ, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều căn cốt của văn hóa Việt Nam, về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một nho sĩ là nhà giáo có nhiều đóng góp để nuôi dưỡng và phát huy hào khí Đồng Nai, nét đẹp văn hóa của người Nam Bộ. Nhân cách của nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng đất Nam Bộ nói chung và mảnh đất Gia Định, Bến Tre nói riêng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Đền thờ Cụ Nguyễn Đình Chiểu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Đền thờ Cụ Nguyễn Đình Chiểu

Lâm vào cảnh mù lòa, Nguyễn Đình Chiểu học nghề chẩn bệnh, bốc thuốc để chữa bệnh cứu dân. Nguyễn Đình Chiểu là một lương y am hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam, kể cả về y thuật và y Đức. Y đức quan điểm của cụ chính là đạo cứu người, làm tròn nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Ngư tiều y thuật vấn đáp là tác phẩm lớn vào giai đoạn cuối đời của Nguyễn Đình Chiểu dạy bảo làm người và đạo làm thầy thuốc cứu người.

Nguyễn Đình Chiểu làm thơ để biểu lộ lòng yêu nước, mỗi bài thơ vũ khí chống giặc. Ông làm thầy đồ để nuôi dưỡng hào khí Đồng Nai, giữ gìn phát huy bản sắc Việt Nam giữa thời loạn ly, ông làm thuốc vì đạo nhân sinh, dù mù lòa nhưng ông đã sống trọn một đời con người với nhân cách trọn vẹn, một đời sống có văn hóa, biết tự hào dân tộc, biết liêm sỉ và tự trọng của một người trí thức chân chính, biết trân trọng phẩm giá của con người với đồng bào và giữ đúng tiết tháo của một kẻ sĩ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu toát lên ông một nhân cách văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Điều chúng ta lĩnh hội, thấm sâu nhất của cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là tinh thần yêu nước thương dân, chiến đấu không khoan nhượng vì đạo lý, tinh thần vượt khó sáng tạo nghệ thuật và học tập suốt đời. Nguyễn Đình Chiểu và di sản của ông không chỉ được người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào mà còn được bạn bè quốc tế biết đến và ngưỡng mộ.

Chủ tịch nước đánh giá cao những năm qua, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa sâu sắc nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Nguyễn Đình Chiểu để lại cho thế hệ hiện tại và mai sau; đồng thời bày tỏ vui mừng trước đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội của Bến Tre, quê hương Đồng Khởi anh hùng và cũng là mảnh đất cụ Đồ Chiểu gắn bó gần suốt cuộc đời.

Nhấn mạnh kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu để tỏ lòng tự hào tôn vinh những cống hiến to lớn của cụ đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại nhưng cũng là để học hỏi từ di sản của cụ những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật của các trước tác của Nguyễn Đình Chiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa vai trò thầy giáo và thầy thuốc của Nguyễn Đình Chiểu, tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, chú trọng ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào nghiên cứu giảng dạy, quảng bá các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, nghiên cứu, sáng tác văn nghệ, văn hóa nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu; thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Bến Tre nghiên cứu các quy chế và ban hành giải thưởng Lục Vân Tiên, tên một tác phẩm nổi tiếng của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước trân trọng ghi nhận và cảm ơn UNESCO đã thông qua Nghị quyết và tổ chức tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Chủ tịch nước khẳng định, việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn của tư tưởng, nhân cách Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ nhân văn bác ái của người Việt Nam, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam văn hóa Việt Nam đang hòa chung dòng chảy văn hóa của nhân loại.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đón nhận Nghị quyết vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đón nhận Nghị quyết vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Tại buổi lễ, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã trao Nghị quyết vinh danh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm do Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam trình bày nêu rõ, gần 200 năm qua, người dân Bến Tre luôn xác định Nguyễn Đình Chiểu là biểu tượng của vùng đất ba dãy cù lao. Lịch sử và tâm thức người dân Bến Tre luôn khắc ghi tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu. Tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó vươn lên; đoàn kết vượt qua bao gian khổ hy sinh của ông đã truyền cảm hứng cho cuộc Đồng Khởi thần kỳ năm 1960, góp phần hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh có những cải thiện tích cực, không ngừng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Năm 2020, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre với sự hỗ trợ nhiệt tình của một số nhà khoa học, sự ủng hộ và tạo điều kiện của Bộ Ngoại giao, của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh Nguyễn Đình Chiểu, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu. Sự kiện Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO vinh danh Danh nhân và cùng tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông là niềm tự hào cho đất nước Việt Nam nói chung, là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre nói riêng.

Trước khi vào buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hương tại đền thờ chính Cụ Nguyễn Đình Chiểu.