Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính thức trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai từ 01/8/2024: Góp phần thực hiện hiệu quả chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Hoàng Quý - 08:01, 20/06/2024

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội. Đồng thời, hai khoản của Điều 200 và Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng cũng được đề nghị có hiệu lực sớm từ 1/8 để bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết mục đích ban hành Luật sửa đổi này là nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, quan điểm sửa đổi phù hợp với chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi; quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động.

Về bố cục và nội dung của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 5 Điều, cụ thể như sau: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5: Hiệu lực thi hành.

Chính phủ nhận định việc đẩy sớm có hiệu lực của Luật Đất đai 2024 lên trước 5 tháng có thể dẫn tới vướng mắc cho một số dự án đang thực hiện dở dang thủ tục chọn nhà đầu tư từ đầu với một số thay đổi về quy định liên quan tới sử dụng đất, tức là việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (như tiến độ thực hiện dự án) có thể bị ảnh hưởng. Điều này khiến chi phí tuân thủ tăng, ảnh hưởng tới đầu tư và không loại trừ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là với dự án bất động sản đang gặp khó về thủ tục. Do vậy, Chính phủ đề nghị giữ nguyên hiệu lực của khoản 10 Điều 255 là từ ngày 01/01/2025, để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư, hạn chế lãng phí thời gian, của cải của xã hội.

Tương tự, khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai 2024 quy định xử lý chuyển tiếp với phương án sử dụng đất, xử lý, sắp xếp lại nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định 132/2020. Tuy nhiên, qua rà soát, Chính phủ cho hay, nếu áp dụng ngay quy định này từ 1/8 có thể rút ngắn thời gian để hoàn thiện thủ tục trình phương án sử dụng, xử lý nhà đất của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an.

Vì thế, Chính phủ đề nghị quy định này áp dụng từ 01/01/2025 để các cơ quan, đơn vị hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý, sắp xếp lại với nhà, đất khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này; đồng thời khẳng định Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương.

Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư sắp được ban hành, làm rõ tác động và giải pháp xử lý...

Cùng với đó, để bảo đảm đầy đủ cơ sở, thông tin cho Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo Kết luận số 3870/TB-TTKQH ngày 14/6/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội tại Phiên họp thứ 34 về dự án Luật bao gồm: Tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các địa phương; phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành; đánh giá tác động về vấn đề sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài, kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có một phần vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổng hợp ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các tổ chức đại diện quyền và lợi ích của các doanh nghiệp về nội dung dự án Luật.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại huyện Ninh Sơn

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại huyện Ninh Sơn

Ngày 20/12, ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu Đoàn công tác đến kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại UBND huyện Ninh Sơn. Được ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện, ông Đặng Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND huyện Ninh Sơn tiếp làm việc với Đoàn giám sát. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn huyện.