Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề: Nhìn từ Lào Cai

PV - 15:33, 25/03/2019

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng còn những bất cập. Trong đó, tình trạng người lao động bỏ giữa chừng gây lãng phí một nguồn lực không nhỏ cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch đào tạo đối với các trường nghề trên địa bàn tỉnh.

Học viên không mặn mà

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp-Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lào Cai cho biết, trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tỉnh đang gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể: Nhận thức của người lao động về lợi ích của việc học nghề chưa cao; đặc biệt việc tìm kiếm đầu ra sau khi đào tạo nghề chưa thực sự hiệu quả khiến cho người lao động chưa mặn mà với việc đi học nghề.

Qua thực tế cho thấy, thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hầu hết học viên ở nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, do vậy họ thiếu nguồn vốn đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất; tâm lý không chịu xa gia đình khiến cho việc đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn còn gặp khó khăn…

Học viên là người DTTS đang được đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Học viên là người DTTS đang được đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Lào Cai.

“Việc vận động được người lao động đi học nghề đã khó, nhưng giữ cho họ theo học đến hết khóa lại càng khó khăn hơn, bởi với nhiều người dân, đi học xa là xem như mất một ngày công lao động. Do vậy, những năm qua một tỷ lệ không nhỏ người lao động đã bỏ giữa chừng khi tham gia các lớp học nghề”, ông Bình thông tin thêm.

Trường Cao đẳng Lào Cai là một trong những đơn vị có quy mô trường lớp, chỉ tiêu đào tạo lớn nhất của tỉnh. Năm 2018, nhà trường đã tuyển sinh 3.950 học sinh, sinh viên ở cả 3 bậc học: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trong đó, tỷ lệ người lao động là DTTS chiếm 52.3%, tỷ lệ học sinh sinh viên được hưởng chế độ chính sách về đào tạo nghề là 45,3%. Theo thống kê, năm học 2018 vừa qua, tỷ lệ học sinh sinh viên đang theo học tại trường bỏ học giữa chừng thuộc các đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ học nghề của Nhà nước lên đến gần 600 người.

Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc học sinh sinh viên bỏ học giữa chừng đang gây rất nhiều khó khăn trong kế hoạch đào tạo của nhà trường; lãng phí một nguồn kinh phí hỗ trợ học nghề của Nhà nước.

Thiếu cơ chế ràng buộc

Để hạn chế tình trạng này, Nhà trường đang áp dụng giải pháp, đối với các em được hỗ trợ chính sách tham gia hết 1 học kỳ mới thanh toán chế độ một lần. Tuy nhiên, chỉ hạn chế được phần nào tình trạng bỏ học giữa chừng. Bởi tâm lý của các em học xong cũng khó xin được vào các cơ quan Nhà nước, học xong nghề thì cũng không xin được việc làm và cũng không muốn xa nhà.

“Theo quy định về đào tạo nghề đối với các em thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ hiện nay, nếu học sinh, học viên bỏ học giữa chừng phải hoàn trả lại chi phí đào tạo cũng như các chế độ chính sách được hưởng. Tuy nhiên, hầu hết các em có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc thu hồi lại nguồn kinh phí đã hỗ trợ gần như là không thể”, ông Đạt thông tin.

Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hạn chế việc bỏ học giữa chừng, chủ trương của tỉnh chỉ đạo các cơ sở đào tạo đẩy mạnh việc đào tạo nghề theo địa chỉ, ký kết hợp tác đào tạo nghề đối với các doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho người lao động sau học nghề. Tăng cường tư vấn cho người lao động trong việc lựa chọn nghề để học; xây dựng các cơ chế chính sách thu hút người lao động ở nông thôn tham gia học nghề, trong đó, nâng mức hỗ trợ cho giáo viên dạy nghề vì đây được coi là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng đào tạo.

“Tuy nhiên, để hạn chế người lao động bỏ học giữ chừng chúng tôi đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp, trong đó có cơ chế chặt chẽ hơn trong việc ràng buộc học viên thuộc diện được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước tham gia học đầy đủ. Mặc dù, trước khi học các em đều có đơn và cam kết; trong quy định cũng yêu cầu người học hoàn trả kinh phí đào tạo nếu bỏ học, nhưng những giải pháp này chưa thực sự khả thi…”, bà Hưng kiến nghị.

TRỌNG BẢO