Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chìa khoá mở “túi khôn” của người Tày

Giang Lam - 09:49, 14/06/2022

Cầm trên tay cây đàn tính, nghệ nhân dân gian Lương Long Vân, thôn Yên Phú, xã An Tường, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang) vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe. Nhìn khung cảnh này, chẳng ai nghĩ người nghệ nhân này đã sống gần tròn 1 thế kỷ. Tiếng đàn của ông nghe như âm thanh của núi rừng, có khi là tiếng suối chảy, khi là tiếng vó ngựa phi dũng mãnh.

Duyên nợ với Then

 Nghệ nhân Lương Long Vân và cây đàn tính
Nghệ nhân Lương Long Vân và cây đàn tính

“Then của người Tày mượn lời ca, tiếng đàn cùng chùm xóc nhạc dẫn đường đến với các đấng siêu nhiên để thỉnh cầu hay cảm tạ. Ông Then, bà Then với cây đàn tính trên tay gảy những khúc nhạc, cất lên những lời ca gửi theo mây theo gió, vang đến tận trời xanh”. Trong thanh âm vang vọng tiếng đàn tính, giọng nói của ông Lương Long Vân hào sảng như thế!

Ông Lương Long Vân lớn lên trong lời Then Cọi của làng bản ở xã Trùng Khánh, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ngay từ nhỏ, ông thường cùng anh trai đi theo các ông thầy Quan làng để học hỏi, giúp việc và trở thành đệ tử. Với sự đam mê học hỏi, ông đã nhanh chóng học thuộc lòng, hát suốt đêm nhiều cung Then, bài Pụt trước sự ngỡ ngàng của các bậc cao niên.

Duyên nghiệp làm thầy Then chỉ lựa chọn những ai có tấm lòng, đức độ hướng về tổ tiên, nghĩ nhiều cho dân bản. Ngoài 40 tuổi, thầy Then Lương Long Vân đã có thể làm Then, làm Pựt một cách thuần thục. Ông bảo, lẩu Then hay lẩu Pựt đều giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về quá trình diễn xướng. Đồ nghề phục vụ cho các nghi lễ trong Then và Pựt cũng có nhiều điểm khác: Thầy Then là phải có đàn, làm Pựt không có đàn. Làm thầy Pựt chỉ có mỗi cái chuông thôi. Làm Then vất vả, mồm hát, tay đánh đàn, chân xóc nhạc.

Đồng bào Tày rất coi trọng thầy Then vì để làm được Then, thầy phải có trí nhớ, hiểu biết phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc. Với nụ cười hiền hậu, ông Vân nhẹ nhàng lý giải rằng, ngay trong Then nghi lễ có các đường Then khác nhau như: Then chữa bệnh khác Then tìm vía, Then nối số cũng khác nhau không phải đường nào cũng giống đường nào. Ngay cả Then cầu an, Then cống slử vào mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh gia đình sẽ có lời hát, lời cúng cầu nguyện riêng.

Cả một đời gắn bó với Then, nghệ nhân Lương Long Vân có một lối hát rất đặc biệt, tuy không náo nhiệt, tưng bừng như các dòng Then khác mà lại rất êm ả, nhẹ nhàng, thong dong đầy chất trữ tình. Ai đã được nghe ông hát, đều cảm nhận được tiếng ca được cất lên từ tận sâu thẳm tâm hồn.

Chìa khóa mở “túi khôn”

Rời xa Trùng Khánh (huyện Na Hang) đã hàng chục năm thế nhưng khi nhắc đến quê hương, nhắc đến Then, Pụt, Cọi, Lượn… ông Lương Long Vân như được sống về thời trai trẻ. Nơi có những đêm hội làng, lễ hội lồng tồng, tiếng đàn tính ngân vang… Bước sang tuổi 90, ông vinh dự được phong tặng Nghệ nhân dân gian và ông trở thành “kho báu sống” để nhiều nhà nghiên văn hóa Tày đến học hỏi, lĩnh hội kiến thức.

Người Tày quê ông rất hiếu học, ngay từ nhỏ, người già bảo ban con trẻ rằng “Nhất slư tha, nhì gia giuốc” (Nhất chữ nghĩa, nhì thuốc thang), “Noưng shec Tay bẳng noưng thoong khôn” (một cuốn sách Tày bằng một túi khôn).

Nghệ nhân Lương Long Vân (giữa) và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trao đổi về sách cổ
Nghệ nhân Lương Long Vân (giữa) và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trao đổi về sách cổ

Ngay từ khi còn nhỏ ông Lương Long Vân luôn tâm niệm rằng, đó là những lời lẽ được chắt lọc bao đời, cha ông mình trân quý, gìn giữ thì mình cũng phải tìm cách để nó tự thấm, chạy vào từng mạch máu, hòa vào từng thớ thịt. Đó như là một phần của cơ thể, nếu bị mai một, lãng quên thì ông đau như bị cây gai, mũi kim đâm vào da thịt. Thế nên đến nay sống gần 1 thế kỷ mà ông Vân vẫn thuộc làu những câu truyện cổ, thơ Tày dài hàng nghìn câu như: “Biooc lả”, “Toọng tương”, “Tống trân cúc hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”, “Lưu Đài Hán Xuân”…

Ông giải thích, trong hành trình dài, người Tày qua nhiều thế hệ đã sáng tác, tạo dựng nên một kho tàng văn hóa dân gian như truyện cổ tích, truyên ngụ ngôn, các bài văn Quan làng dùng trong nghi lễ cưới xin, các bài then dùng trong nghi lễ như lễ cấp sắc, cầu mùa, cầu an, giải hạn cúng cho người ốm... Đặc biệt bài thuốc dân gian, lời giáo huấn răn dạy con người… Tất cả đều được tổ tiên viết bằng chữ Nôm Tày dưới dạng văn vần thất ngôn dài hàng nghìn câu.

Với mong muốn thế hệ sau có thể dễ dàng mở được “túi khôn” người Tày, nhiều năm qua ông Lương Long Vân tỉ mẩn ghi chép, biên dịch những cuốn sách cổ. Đó là kho tàng tri thức bao đời, người trước trao truyền, người sau nâng niu trân trọng, như một mạch nguồn chảy mãi.

Hiện nay ông đã biên dịch, ghi chép hàng chục cuốn sách nội dung: nghi lễ thờ cúng, bài khấn; lời khuyên răn dạy bảo, cách đối nhân xử thế, đạo làm con, đạo vợ chồng; bài thuốc dân gian, mẹo vặt hay chữa bệnh

Bên cạnh đó, ông cùng nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức biên dịch những tích truyện xa xưa, văn hát quan làng, hát then...Các cuốn sách được xuất bản như “Văn Quan làng Tuyên Quang”, “Một số cung Then cổ chữ Nôm - Tày”… Trong đó, cuốn sách “Văn Quan làng Tuyên Quang” dày 410 trang là một tư liệu chuyên biệt về hát Văn Quan làng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Công trình nghiên cứu đoạt Giải thưởng Tân Trào năm 2019.

Nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng chia sẻ, người Tày có câu “Trong nhà có người già như có được cả kho báu", quả thực Nghệ nhân dân gian Lương Long Vân là một trong những nghệ nhân hiếm có, dù cao tuổi nhưng ông vẫn rất thông tuệ và am hiểu sâu sắc về văn hóa người Tày.

Chia tay chúng tôi, ông Lương Long Vân vui vẻ, khoan khoái cầm trên tay cây đàn tính, nghệ nhân vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe. Đôi bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, lướt trên phím đàn tính, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt ông nhìn về phía xa xăm… Cứ thế, những lời then say đắm, du dương được cất lên, bay cao, bay xa như những tài sản quý giá ngàn đời của văn hóa Tày…