Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chi trả hỗ trợ khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19: Tiến độ triển khai ở nhiều địa phương còn rất chậm

Minh Thu - 21:51, 25/09/2021

Ngày 20/7/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã có Công điện số 05/CĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh một số địa phương tích cực trong việc hỗ trợ, vẫn còn nhiều địa phương tiến độ chi trả hỗ trợ cho người dân rất chậm.

Chi trả tiền hỗ trợ đối tượng thuộc diện F1 tại TP. Bắc Giang. (Ảnh: Internet)
Chi trả tiền hỗ trợ đối tượng thuộc diện F1 tại TP. Bắc Giang. (Ảnh: Internet)

Vướng trong thủ tục hỗ trợ

Từ cuối tháng 6/2021, anh Nguyễn Văn Công ở thôn Gáo, xã Hương Gián, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là F1, nên được đưa đi cách ly tập trung tại tỉnh Bắc Ninh. Hoàn thành cách ly, anh Công trở về địa phương, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên từ đó đến nay vẫn chưa đi làm lại.

Không có thu nhập, mọi chi tiêu trong gia đình (4 người) trông vào lương công nhân của vợ. Khoản hỗ trợ tiền ăn (21 ngày) trong thời gian cách ly dù không lớn, nhưng cũng phần nào vơi bớt khó khăn cho anh thời điểm này. Tuy nhiên, hồ sơ của anh Công không được Hội đồng thẩm định huyện Yên Dũng phê duyệt, do Quyết định tuyển dụng của anh Công nộp cho chính quyền là bản sao, không có bản chính để đối chiếu, nên không hợp lệ.

Ngoài anh Công, trên địa bàn huyện Yên Dũng còn 19 trường hợp khác cũng gặp vướng mắc liên quan đến giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ. Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, những vướng mắc liên quan đến hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán tiền ăn cho F1, Sở đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, chờ hướng dẫn giải quyết. Riêng với trường hợp như anh Công, chỉ vướng ở quyết định cách ly là bản phô tô, Phòng LĐTB&XH huyện có trách nhiệm xác minh, liên lạc với nơi cách ly để chuyển quyết định cách ly bản gốc, tạo điều kiện tối đa để lao động được hưởng chính sách.

Tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), toàn huyện có 732 đơn vị đề nghị hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 54.474 NLĐ, với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng; có 20 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, phải ngừng việc do thực hiện cách ly y tế đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay, địa phương này mới phê duyệt và cấp hỗ trợ cho 36 NLĐ thực hiện cách ly y tế; hiện đang thẩm định, phê duyệt hỗ trợ cho 85 lao động tự do không có giao kết hợp đồng.

Một số NLĐ và người SDLĐ cũng hiểu về các chính sách chưa cặn kẽ, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68
Một số NLĐ và người SDLĐ hiểu về các chính sách, quy định chưa cặn kẽ, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Giải pháp thúc đẩy hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi 4 điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và 4 nội dung hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách. Hiện tại, Bộ LĐTB&XH đang gửi dự thảo xin ý kiến các bộ ngành, dự kiến sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68 trong tháng 9/2021.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Cần Thơ, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, TP. Cần Thơ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nên ít nhiều đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện Nghị quyết số 68. Một số chính sách có đối tượng nhận hỗ trợ còn ít.

Điển hình như chính sách 5 (hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương) số lượng thực hiện còn ít. Chỉ mới có NLĐ ở 5/9 huyện, quận thuộc TP. Cần Thơ được phê duyệt chính sách này, với tổng số 444 người được phê duyệt, tổng số kinh phí trên 1,46 tỷ đồng. Trong số này, mới chỉ có 124 người đã nhận hỗ trợ, với số tiền trên 380 triệu đồng.

“Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng thuộc nhóm chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 68/NQ-CP, Sở LĐTB&XH đã báo cáo Thành ủy Cần Thơ, UBND TP. Cần Thơ và đề xuất hướng khắc phục. Đồng thời, Sở đang liên hệ với người SDLĐ thuộc các chính sách chưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ (chính sách 3, 5, 10) để nắm các khó khăn, có hướng hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, kiến nghị Bộ LĐTB&XH tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ tại điểm 4, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đối với các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, giảm số lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, bà Xuân Mai cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã giảm 2/3 thời gian, thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 với thủ tục rất đơn giản, gọn nhẹ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai hỗ trợ cũng gặp một số khó khăn.

Cụ thể: Nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, NLĐ không đi lại được để hoàn thiện thủ tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ. Một số NLĐ và người SDLĐ cũng hiểu về các chính sách chưa thật sâu, thật cặn kẽ, vì vậy, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Mặt khác, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Sau khi nhận diện các khó khăn, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, xác định rõ nhóm đối tượng, mức độ quan tâm của mỗi nhóm đối tượng đến chính sách. Từ đó xây dựng một hệ thống thông tin tuyên truyền dễ hiểu, giúp người dân và các cơ quan chức năng của địa phương hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn về Nghị quyết 68 và Quyết định 23.

Bên cạnh đó, tăng cường giải đáp trực tuyến qua Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT của Bộ và của các địa phương, đồng thời, triển khai các hình thức đăng ký trực tuyến như đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ và người SDLĐ sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách.

“Bộ LĐTB&XH đang soạn bộ “Hỏi - Đáp”, tập hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc sau quá trình triển khai thực tế. Bộ “Hỏi - Đáp” sẽ được xây dựng kỹ lưỡng và được cập nhật thường xuyên, giúp giải đáp thắc mắc để NLĐ, người SDLĐ, địa phương chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn”, ôngLê Văn Thanh cho biết.