Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu): Hiệu quả từ việc triển khai Chương trình MTQG 1719

Lê Vũ - Bảo Trần - 11:02, 12/11/2023

Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), các chính sách hỗ trợ đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, đáp ứng được những nhu cầu bức thiết, tồn đọng của người dân; đời sống vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay tích cực. Hiện Châu Đức đang ưu tiên mọi nguồn lực với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi thay toàn diện vùng đồng bào DTTS.


Một con đường giao thông nông thôn khu vực đồng bào DTTS tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang trong giai đoạn hoàn thành, kế đó là những ngôi nhà rồi cũng sẽ được hỗ trợ sữa chữa, hoặc xây mới cho bà con theo nhu cầu
Một con đường giao thông nông thôn khu vực đồng bào DTTS tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang trong giai đoạn hoàn thành, kế đó là những ngôi nhà rồi cũng sẽ được hỗ trợ sữa chữa, hoặc xây mới cho bà con theo nhu cầu

Triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình MTQG 1719

Huyện Châu Đức nằm phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), toàn huyện hiện có 15 DTTS anh em cùng sinh sống rải rác khắp các xã, thị trấn, với khoảng trên 2.200 hộ (trên 9.200 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 5,79% dân số của huyện.

Ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh BR-VT về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2022 – 2025, UBND huyện đã kịp thời ban hành quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG và xây dựng kế hoạch để tập trung thực hiện. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện, Ban Dân tộc tỉnh, sự phối hợp của các phòng, ban chuyên môn, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn nên việc triển khai thực hiện các Dự án được thuận lợi, đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra.  Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS hiện nay đã được cải thiện nhiều so với trước đây, số hộ khó khăn về nhà ở, chưa có nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất đã giảm đáng kể.

Là Bí thư Chi bộ, kiêm Người có uy tín tại khu phố Vinh Thanh (Khu phố có đông đồng bào dân tộc Chơ Ro sinh sống), thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, ông Đào Văn Giả phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Về chính sách cho bà con đồng bào DTTS thì những năm qua địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ. Ngay cả có một đoạn đường ngắn hư hỏng bà con đề nghị là chính quyền cũng hỗ trợ làm ngay. Bây giờ các con đường đều khang trang, từ đường lớn cho tới ngõ hẻm. Còn về nhà cửa cũng vậy, 2 năm nay chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu cụ thể từng hộ, lên kế hoạch hỗ trợ, không để sót một hộ nào”.

Ông Phạm Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức (trái) đang trao đổi với ông Đào Văn Giả, Người có uy tín tại khu phố Vinh Thanh (trái) về những kiến nghị, nhu cầu của bà con đồng bào DTTS
Ông Phạm Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức (trái) đang trao đổi với ông Đào Văn Giả, Người có uy tín tại khu phố Vinh Thanh (trái) về những kiến nghị, nhu cầu của bà con đồng bào DTTS

Để có thể triển khai đồng bộ, kịp thời và cụ thể các chính sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đến với bà con, ông Phạm Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức cho biết: “Thị trấn đã tổ chức khảo sát từng hộ DTTS để tìm hiểu đời sống, nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, cây con giống, công ăn việc làm… nhu cầu vay vốn của bà con để đề xuất huyện hỗ trợ theo Nghị quyết 108 của HĐND tỉnh với phương châm trợ lực đúng và trúng nhằm thoát nghèo bền vững”. Ông Tài cho biết thêm: “Hiện thị trấn còn 49 hộ nghèo, trong đó có 9 hộ nghèo là đồng bào DTTS. Với nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 108 và sự huy động nguồn lực của địa phương, mục tiêu đến cuối năm 2023, địa phương sẽ “xóa trắng” tất cả hộ nghèo trong đó có cả các hộ nghèo DTTS”.

Đổi thay toàn diện vùng đồng bào DTTS

Được biết, chỉ riêng năm 2022 thực hiện Nghị quyết số 108 của HĐND tỉnh BR-VT (về triển khai chương trình MTQG 1719), huyện Châu Đức đã thực hiện 27 danh mục đầu tư, với tổng kinh phí là 87.710 triệu đồng, trong đó gồm 15 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 28,2 km; 6 công trình lưới điện hạ thế dài 13,5 km, 6 công trình nước sạch sinh hoạt dài 5 km. Đến nay các công trình đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và giải ngân vốn 100%.

Cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại xã Láng Lớn, kiểm tra, giám sát tiến độ công trình sửa chữa nhà cho hộ đồng bào DTTS theo Chương trình MTQG 1719
Cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại xã Láng Lớn, kiểm tra, giám sát tiến độ công trình sửa chữa nhà cho hộ đồng bào DTTS theo Chương trình MTQG 1719

Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ trực tiếp như : xây mới 46 căn nhà ở; sửa chữa 28 căn; xây dựng 65 nhà vệ sinh; nghiệm thu lắp nước sinh hoạt cho 62 hộ; lắp đồng hồ điện sinh hoạt cho 11 hộ; hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa cho 1.573 em học sinh; cấp con giống phát triển chăn nuôi cho 20 hộ…

Dẫn chúng tôi tham quan đàn dê của gia đình đang chăn nuôi, anh Đào Văn Hiệp (dân tộc Chơ Ro), ngụ tại khu phố Vinh Thanh, Thị trấn Ngãi Giao xúc động kể: "Trước mình làm nông, làm tự do thôi, nhà nước thấy khó khăn, hỗ trợ cho 2 con giống, mình và gia đình chăn nuôi đến nay đàn đã lên 9 con, mình rất phấn khởi”

Anh Đào Văn Hiệp (dân tộc Chơ Ro), ngụ tại khu phố Vinh Thanh, Thị trấn Ngãi Giao bên cạnh chuồng dê được phát triển đàn từ những con giống ban đầu do chính sách hỗ trợ
Anh Đào Văn Hiệp (dân tộc Chơ Ro), ngụ tại khu phố Vinh Thanh, Thị trấn Ngãi Giao bên cạnh chuồng dê được phát triển đàn từ những con giống ban đầu do chính sách hỗ trợ

Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết: nhờ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mà hiện nay địa phương cơ bản giải quyết được những khó khăn, đáp ứng được nhiều nhu cầu bức thiết của người dân. Đặc biệt, ý thức của bà con đã được nâng cao, hạn chế được tư tưởng trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vay vốn đối ứng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và đóng góp ngày công lao động, cùng với nguồn vốn Nhà nước để đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện hiệu quả, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ông Lộc chia sẻ thêm: Với những kết quả đã đạt được, Huyện mạnh dạn đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa 119 hộ thoát nghèo, đến cuối năm 2023 trên địa bàn huyện Châu Đức sẽ không còn hộ nghèo đồng bào DTTS. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả  Chương trình MTQG 1719 trong năm 2023 và những năm tiếp theo nhằm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện theo hướng ngày một nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.