Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện chính sách dân tộc ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Giúp đồng bào DTTS thoát nghèo

PV - 09:54, 21/12/2018

Những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình, chính sách; sự quan tâm chăm lo của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, bà con các DTTS nơi đây phấn khởi lao động, sản xuất để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Nhờ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác, đời sống bà con DTTS ở Châu Đức đã dần được nâng lên. (Trong ảnh: Người dân xã Quảng Thành, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu). Nhờ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác, đời sống bà con DTTS ở Châu Đức đã dần được nâng lên. (Trong ảnh: Người dân xã Quảng Thành, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu).

Theo báo cáo của UBND huyện Châu Đức, trong 3 năm qua, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (2015-2018) về “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh” và Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS”, huyện đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông; các công trình điện hạ thế, nước sạch và hỗ trợ cây, con, giống phát triển sản xuất cho hơn trên 500 hộ DTTS; đầu tư xây dựng gần 200 nhà ở, nhà vệ sinh; cấp điện, nước sinh hoạt cho hơn 145 hộ.

Bên cạnh đó, bà con đồng bào DTTS trên địa bàn huyện còn được tiếp cận các kỹ thuật khoa học hiện đại áp dụng vào việc nuôi, trồng, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng nông sản. Đến nay, 98% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Châu Đức đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước.

Hộ gia đình ông Đào Văn Nuôi (người dân tộc Châu Ro, ở xã Đá Bạc) là một trong những hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi từ Chương trình 135 và Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS”. "Nhờ 2 con dê giống và 1 con bò sinh sản được hỗ trợ, đến nay, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái khôn lớn.

Ông Nuôi kể, trước đây, cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông phải chạy ăn từng bữa bằng công việc làm thuê, làm mướn. Nhà nghèo, lại có tới 6 người con nên địa phương đã xem xét, đưa ông vào diện được hỗ trợ từ cả hai chương trình trên, với 1 con bò sinh sản và 2 con dê giống. Đồng thời, ông được tập huấn, phổ biến khoa học, kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào chăn nuôi. Đến nay, đàn bò, dê của gia đình ông đã phát triển lên gần 20 con. Từ việc bán bê, dê thịt, ông thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông đã thoát nghèo và đã bắt đầu có tích lũy.

Tương tự, gia đình bà Ðào Thị Lệ, người dân tộc Hoa, ở xã Bình Ba rất khó khăn. Từ lâu bà ước có một cặp dê để phát triển kinh tế gia đình, bởi nhiều hộ gia đình ở huyện Châu Ðức đã giàu lên nhờ nuôi dê. Sau khi được nhận cặp dê giống trị giá 10 triệu đồng do Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với huyện Châu Đức trao tặng cho 92 hộ đồng bào DTTS hồi tháng 9 vừa qua bà Lê vui mừng khôn xiết, “tôi hứa với cán bộ sẽ nuôi cặp dê sinh sản này thật tốt”, bà Lê nói.

Được biết, những năm qua, huyện Châu Đức đã triển khai nhiều chương trình, dự án chính sách cho vùng đồng bào DTTS gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, qua đó từng bước cải thiện diện mạo vùng nông thôn, nhất là những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cụ thể, 5 năm trở lại đây, thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện Châu Đức đã đầu tư xây dựng 69,5km đường giao thông nông thôn, giúp đồng bào thuận lợi hơn trong đi lại, sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, giao thương hàng hóa...

Ông Lý Văn Dương, dân tộc Châu-ro ở xã Bình Ba phấn khởi nói: Các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS xây dựng nhà ở kiên cố; hỗ trợ giống cây, con giống, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm... của Nhà nước đã làm đổi thay cuộc sống của đồng bào DTTS chúng tôi. Mừng nhất là con em được đến trường, bà con được tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên sản xuất hiệu quả, có cơ hội để thoát nghèo, vươn lên phát triển để làm giàu chính đáng.

Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết: hiện có 13 DTTS đang sinh sống trên địa bàn huyện với 2.161 hộ (9.456 nhân khẩu), trong đó đồng bào dân tộc Châu-ro (Chơ-ro) chiếm đa số, với 5.141 nhân khẩu. Tính đến hết tháng 9 năm 2018, tổng số hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo chỉ còn 321 hộ (chiếm 17,67% hộ nghèo toàn huyện) giảm 145 hộ so với cùng kỳ năm 2016.

BẰNG GIANG