Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cây xóa nghèo của người Mông ở Quan Thần Sán

PV - 16:00, 03/04/2018

Những ngày này, đến một số bản làng ở xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) sẽ thấy những rừng hoa lê nở trắng núi đồi, hứa hẹn mùa quả bội thu. Cây lê Tai Nung được trồng tại đây 7 năm trước, đã thành cây xóa nghèo của nhiều bà con dân bản.

Con đường từ trung tâm vào thôn Lao Chải, xã Quan Thần Sán được tráng nhựa thẳng tắp, sạch sẽ, hai bên là vườn lê Tai Nung đang nở hoa trắng xóa đẹp mắt. Cây lê Tai Nung được đưa về trồng ở xã cách đây hơn 7 năm, nhờ hỗ trợ từ Chương trình 135.

Những cây lê chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Những cây lê chuẩn bị đến kỳ thu hoạch.

 

Trước kia, bà con chỉ biết đến giống lê địa phương hay còn gọi là quả mắc cọt mọc trong rừng, trên núi. Giống lê này quả nhỏ, vỏ màu nâu và dày, khi bổ ra thịt thâm ăn chát lạo xạo như cát không được thị trường ưa chuộng. Giá thành rẻ nên bà con cũng không mặn mà. Nhưng bù lại giống lê này có sức sống mãnh liệt, khả năng chống chịu được khô hạn, băng giá rất cao.

Vì vậy, khi nhân giống với giống lê Đài Loan đã tạo ra được giống Lê Tai Nung VH6, có đặc điểm nổi trội là đều sinh trưởng tốt từ độ cao 800m trở lên, đến năm thứ 3-4 đều cho quả bói, số lượng quả tăng nhanh từ năm thứ 5, năm thứ 6 tăng 39 lần so khi bói.

Khi được xã phổ biến trồng thử nhiều hộ cũng không dám mạnh dạn chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng giống lê mới. Một trong những hộ đi đầu là gia đình anh Tráng Seo Xà. Năm 2011, gia đình anh được hỗ trợ trồng hơn 200 gốc lê Tai Nung. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Năm 2014 hơn 200 cây đã cho quả bói thu được trên 40kg, thu về 2,4 triệu đồng. Vụ tiếp theo thu được 07 triệu đồng với sản lượng 1,5 tạ; vụ thứ 3 thương lái đến mua cả vườn với giá 20 triệu đồng, được gần 06 tạ quả và năm vừa qua những cây lê trĩu quả đã cho sản lượng 1,3 tấn, thu về 45 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả của cây lê Tai Nung hơn rất nhiều so với trồng ngô, trồng lúa, anh Xà tiếp tục đầu tư trồng và nâng tổng số cây lê của gia đình là hơn 600 cây. Mỗi năm thu về cũng được hơn 100 triệu đồng. Con số không nhỏ ở vùng cao.

Tương tự anh Xà, gia đình anh Tráng Chính Liền, cũng trồng được 1ha lê. 3 năm nay, cây lê đã cho gia đình anh một nguồn thu nhập khá cao. Trừ đi chi phí đầu tư ban đầu, đến thời điểm này, gia đình anh cũng thu về 200 triệu đồng. “Cây lê này có đặc điểm là cây thấp, quả to và nhiều gấp 4-5 lần hai giống lê địa phương, bình quân mỗi ha trồng 350 cây, thì năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật có thể đạt 18-20 tấn/ha. Giá bán trung bình từ 20.000-25.000 đồng/kg, có thể cạnh tranh với lê Trung Quốc, anh Liền cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, năm 2017 tổng diện tích trồng lê của xã đạt hơn 31ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây lê Tai Nung mang lại, xã đã đăng ký và trồng thêm 25,4ha, nâng tổng diện tích trồng lê của toàn xã lên 61,5ha.

Ngoài trồng cây lê lấy quả, xã cũng đang có một hướng đi mới là, mở rộng diện tích khoanh vùng, tập trung với mục đích phát triển du lịch, tạo điểm thăm quan cho khách du lịch đến với xã Quan Thần Sán vào mùa hoa lê nở. “Từ ngày trồng lê, cứ tới mùa là có rất nhiều người tìm đến để chụp ảnh, thăm quan những vườn lê nở hoa trắng muốt. Những rừng lê có một nét đẹp rất riêng biệt và không nơi nào có được. Nên chúng tôi đang định hướng xem có thể vừa làm du lịch vừa tăng thu nhập cho bà con từ cây lê này hay không”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài trồng cây lê lấy quả, xã cũng đang có một hướng đi mới là mở rộng diện tích khoanh vùng, tập trung với mục đích phát triển du lịch, tạo điểm thăm quan cho khách du lịch đến với xã Quan Thần Sán vào mùa hoa lê nở. “Từ ngày trồng lê, cứ tới mùa là có rất nhiều người tìm đến để chụp ảnh, thăm quan những vườn lê nở hoa trắng muốt”. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán

NGUYỄN LÊ