Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cây lúa rẫy và lễ Ada của người Pa Kô ở Quảng Trị

PV - 14:04, 04/09/2020

Đàn Toong và A Took cùng một số loại nhạc cụ truyền thống như trống, cồng chiêng, khèn bè… gắn với truyền thuyết về thần lúa, về câu chuyện “đi sim” của những đôi trai gái và lễ hội Ada mừng lúa mới hằng năm của người Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn… Vọng lại từ những dãy núi khuất sau màn sương là thanh âm từ cây đàn Toong và A Took mà người Pa Kô dùng để xua đuổi chim và thú rừng để bảo vệ nương rẫy.

Thu hoạch lúa rẫy ở A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: P.T.L
Thu hoạch lúa rẫy ở A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị). Ảnh: P.T.L

Chọn đất lành phát rẫy

Vùng núi thuộc dãy Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị, từ bao đời là ngôi nhà chung của đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và gắn liền với phương thức sản xuất nương rẫy, tự cung tự cấp. Bên cạnh cây sắn, cây ngô cùng một số loài cây cho củ, quả và hoa màu, thì lúa rẫy không chỉ là cây lương thực chính quan trọng nhất, mà còn được xem là một vị thần linh thiêng, đầy quyền năng vì đã mang lại sự sống cho con người.

Ngày xưa, mỗi đứa trẻ Pa Kô sau khi chào đời chỉ vài tháng tuổi đã theo mẹ lên nương lên rẫy. Người ta tính tuổi của con người không theo năm tháng, mà tính bằng mùa rẫy. Mỗi mùa lúa rẫy qua đi cũng đồng nghĩa là con người được thêm lên một tuổi đời.

Ngày nay ở những khu vực có điều kiện về nguồn nước và đất đai tương đối bằng phẳng, người dân đã chuyển dần sang gieo trồng cây lúa nước, thậm chí nhiều nơi bà con còn sản xuất hai vụ lúa trong một năm. Nhưng với những bản làng vùng sâu, vùng xa có địa hình đồi dốc, khó khăn về nguồn nước thì người Pa Kô vẫn gắn bó thủy chung với cây lúa rẫy truyền thống.

Để có được rẫy tốt thì ban đầu đàn ông Pa Kô phải cất công đi chọn đất, hay còn gọi là “Tăm đất”, không chỉ nhìn vào đất, nhìn cây rừng, mà người ta còn phải chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ xin phép một số vị thần. Việc chọn đất còn tùy thuộc vào giấc mơ của người chủ lễ đi xin đất. Theo nghệ nhân dân gian Kray Sức: “Tục xin đất, tiếng Pa Kô gọi là: Chêm pê đay. Để xin đất người ta dùng gỗ làm thành hình ảnh tượng trưng về kho đựng thóc, sau đó sẽ chọn ba thanh tre ngắn cắm xuống mặt đất theo hình tam giác, đồng thời gác một số thanh tre nằm ngang để trải lá cây cho đất lên trên lá. Lúc này chủ gia đình sẽ tiến hành nghi lễ gọi thần đất, thần núi và thần lúa để xin đất. Kết thúc phần lễ, nếu đêm hôm ấy chủ nhà có giấc mơ tốt thì ngày hôm sau sẽ tiến hành phát rẫy, nhưng nếu giấc mơ không tốt thì đành đi tìm quả núi khác để tiếp tục xin đất…”.

Hằng năm, vào khoảng cuối tháng 3 Âm lịch, người dân tộc Pa Kô bắt đầu phát dọn nương rẫy để chuẩn bị cho một mùa rẫy mới. Mỗi rẫy lúa từ lần phát và đốt đầu tiên sẽ được người dân canh tác liên tục trong 3 năm, tương ứng với 3 mùa và cũng là 3 mùa rẫy. Kết thúc chu kỳ 3 năm, người ta cho đất nghỉ ngơi bằng cách bỏ hoang trong 3 năm tiếp theo để cây rừng tái sinh, tạo mùn cho đất. Kết thúc 3 năm bỏ hoang rẫy cũ, người ta sẽ quay trở lại để phát, cốt, đốt trỉa trong ba mùa rẫy tiếp theo và đây chính là cách con người luân canh nương rẫy. Thời điểm phát rẫy, trỉa lúa hằng năm được người Pa Kô tính toán bằng cách nhìn một số loài hoa rừng và lắng nghe tiếng côn trùng kêu.

Theo nghệ nhân dân gian Mai Sen, một người con của đồng bào Pa Kô sống ở Tà Rụt, huyện Đakrông chia sẻ: “Quả cây a lau đã chín rồi, con ve a vênh kêu rất nhiều rồi tức là đã đến mùa trỉa lúa. Từ giữa tháng 5 âm lịch, khi nhìn lên ngọn núi cao thấy hoa tu lom màu đỏ, thấy quả bứa chín vàng, thấy trái cây a niêu cũng đã chín tức là mùa trỉa lúa đã hơi muộn, nếu không làm nhanh thì sẽ không kịp thời vụ…”.

Sau khi chọn khu rừng được các vị thần linh cho phép để phát rẫy, nhiều hộ gia đình trong bản sẽ cùng phát rẫy gần nhau để hỗ trợ nhau trỉa lúa, giữ rẫy cũng như thu hoạch. Dụng cụ để trỉa lúa ngày xưa là cây rừng, đàn ông đi trước chọc lỗ, phụ nữ theo sau gieo và vùi hạt… Hạt lúa giống sẽ được gửi tạm vào đất và đợi đến mùa mưa thì bắt đầu nẩy mầm. Lúa rẫy cũng có nhiều giống khác nhau, mỗi giống lúa sẽ cho màu sắc, kích thức và hình dáng hạt lúa khác nhau, theo đó hương vị và chất lượng cũng sẽ khác nhau, nhưng có một đặc tính chung với tất cả các giống lúa rẫy là khả năng chịu hạn cao, nên thích nghi với điều kiện canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Trải qua hàng ngàn năm, đặc tính nổi bật của cây lúa rẫy là khả năng đẻ nhánh, xòe bụi rất nhanh và sớm tỏa bóng che phủ phần mặt đất dưới mỗi gốc lúa, nhằm giảm bớt quá trình bốc hơi nước và giữ ẩm cho đất.

Quá trình sản xuất nương rẫy, nhất là cây lúa rẫy còn gắn với câu chuyện “đi sim” của người Pa Kô. Ngày xưa, nhiều gia đình thường hẹn nhau phát chung một quả núi, một khu rừng để làm rẫy, khi cây lúa trổ bông thì người ta bắt đầu dựng những ngôi nhà chòi ngay giữa rẫy và làm những hình nộm giống con người kết hợp với âm thanh của ống tre để xua đuổi lũ chim rừng kéo về phá lúa.


Người Pa Kô trỉa lúa rẫy. Ảnh: P.T.L
Người Pa Kô trỉa lúa rẫy. Ảnh: P.T.L


Vào mùa lúa rẫy bắt đầu chín vàng, trong các nhà chòi còn có một số loại nhạc cụ cũng được dùng để xua đuổi chim và thú rừng. Người được phân công giữ rẫy thường là các cô gái bắt đầu đến tuổi lấy chồng. Chính âm thanh từ việc giữ rẫy vang vọng giữa núi rừng là tín hiệu để các chàng trai đến tuổi lấy vợ sẽ tìm đến nhà chòi để tìm hiểu và ngỏ lời cùng các cô sơn nữ. Nếu hai bên đồng ý thì họ sẽ tặng nhau kỷ vật cùng với lời hẹn ước rồi xin phép gia đình đợi đến mùa rẫy năm sau sẽ nên duyên vợ chồng. Câu chuyện về tục “đi sim” cũng bắt đầu từ đó…

Cây lúa rẫy thường chín vào khoảng tháng 10 âm lịch. Việc thu hoạch diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 tháng. Bắt đầu thu hoạch lúa, các gia đình sẽ có một lễ cúng nhỏ để xin phép thần lúa. Cũng theo nghệ nhân dân gian Mai Sen: “Mỗi gia đình sẽ mang một cái típ bằng tre đựng hạt thóc, biểu tượng của thần lúa lên rẫy và chọn chỗ đất bằng có những cây lúa đẹp nhất, nhiều bông lúa nhất để đặt lễ vật làm lễ cúng. Lúc này chủ nhà sẽ chọn 3 cây lúa buộc lại với nhau và đặt ở giữa một chiếc gùi nhỏ gọi là ka ria, tiếp theo nhiều người sẽ chọn tuốt lấy nửa bông lúa rồi bỏ vào ka ria, lễ xin phép tuốt lúa gọi là Ka văng với ý nghĩa cầu mong lúc thu hoạch hạt lúa đừng rơi vãi, bông lúa luôn nhiều hạt để có nhiều lúa. Tuy vậy lúc này con người cũng chỉ được phép dùng tay để tuốt lấy hạt lúa, vì theo quan niệm thần lúa vẫn đang ngự trên thân cây lúa, chừng nào tổ chức lễ A da mời thần lúa về nhà thì con người mới được phép đụng chạm đến thân cây lúa”.

Lễ mừng lúa mới

Sau khi kết thúc mùa rẫy khoảng một tháng và lúa đã được chuyển về cất giữ trong kho, đợi đến lúc hoa Ka Boong bắt đầu nở hoa trắng trên những triền núi thì người Pa Kô bắt đầu chuẩn bị làm lễ A da để cúng mừng lúa mới. Lễ Ada, lễ mừng lúa mới là lễ hội lớn và quan trọng nhất vào dịp cuối năm của đồng bào Pa Kô. Lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 11 âm lịch, việc chọn ngày sẽ tùy theo quan niệm của các dòng họ. Ngày được chọn có ý nghĩa sẽ là ngày đẹp và mang lại nhiều may mắn nhất trong năm.

Lễ hội Ada gồm cả phần lễ và phần hội mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, thể hiện nét tín ngưỡng dân gian vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Pa Kô. Lễ hội này cũng được gọi là Tết mừng lúa mới hay mừng cơm mới, là dịp tết sum họp các dòng họ, thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống của người Pa Kô.

Thường là người đàn ông chuẩn bị các con vật nuôi phục vụ các nghi lễ cúng, phụ nữ kiếm sản vật từ rừng như măng tre, nứa, các loại lá cây rừng như đọt mây, đoác… để chế biến các món ăn truyền thống. Trong lễ hội cúng Ada phải có các sản vật cúng Giàng như cơm lam, gà nướng ống, thịt lợn, chim, ếch, cá…

Theo quan niệm của người Pa Kô, thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh là vào buổi sáng, bởi vào lúc đó khí trời tốt nhất trong ngày. Lễ hội bắt đầu rộn rã khi những khách mời đến. Khách quý đi từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá… đến góp vui cùng lễ hội. Trong buôn, gia đình nào cũng phải chuẩn bị ba mâm đồ để cúng tạ ơn các Giàng: Giàng xứ Núi (Thần núi), Giàng Tro (Thần Lúa), Giàng A ưm, Adủa, Atoong (Thần bắp, kê, đậu). Trong nghi lễ cúng tế thần linh, ngoài mâm cúng dành cho các Giàng, thì mỗi gia đình còn chuẩn bị các mâm cơm dành cho khách quý gọi là “Khơi” và họ hàng, dân các bản làng khác được mời dự lễ hội.

Sau phần nghi lễ cúng là phần hội tạo nên sự rộn ràng, hấp dẫn cho lễ hội. Trong phần hội diễn ra những hình thức vui chơi, hát múa với các làn điệu dân ca tự ứng tác như: Chachấp, ba-bói, câr-lơi... Các điệu múa, điệu nhảy lả lơi với tiếng đệm của các loại nhạc cụ cồng, chiêng… càng thu hút nhiều người trong bản và các bản lân cận cùng đến lễ hội chung vui. Cuộc vui có thể kéo dài hai đến ba ngày thể hiện tình yêu, niềm lạc quan của người Pa Kô trong cuộc sống. Với những nghi thức diễn xướng qua lễ hội còn cho thấy nét đẹp bản sắc văn hóa của tộc Pa Kô. Hiện nay, mặc dù cuộc sống đã nhiều thay đổi, nhưng lễ hội Ada vẫn được người Pa Kô xác định là tài sản văn hóa vô giá nên luôn hết lòng bảo tồn và gìn giữ.