Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cấp bách xây dựng bộ công cụ cảnh báo sớm sạt trượt đất đá

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trường Cán bộ quản lý GTVT​ - 11:16, 12/09/2024

Thiệt hại do thiên tai, nhất là do sạt trượt đất đá, ngày càng nặng nề hơn do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thì việc hoàn thiện bộ công cụ cảnh báo, trong có, việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá đang là vấn đề cấp bách, cần được ưu tiên triển khai.

Cấp bách xây dựng bộ công cụ cảnh báo sớm sạt trượt đất đá
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) với 167 hộ/760 nhân khẩu sinh sống, đã bị vùi lấp sau vụ sạt lở đất xảy ra sáng ngày 10/92024

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, miền Bắc chìm trong mưa lũ. Cả nước đang hướng về miền Bắc với bao nỗi thấp thỏm. Bởi nơi đây, nhất là ở những địa phương trung du và miền núi, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc đang gồng mình giữa biển nước; thường trực nỗi lo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đe dọa xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Thiệt hại do bão số 3 hiện vô cùng lớn. Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 13 giờ 30 phút ngày 11/9, đã có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích); so với báo cáo lúc 11 giờ cùng ngày đã tăng 4 người chết, mất tích (tại tỉnh Yên Bái).

Như vậy, thiệt hại do thiên tai đang tính từng giờ, từng phút. Ngay cả khi mưa lũ đã đi qua, tình hình đã tạm ổn thì nguy cơ sạt lở đất đá vẫn hiện diện ở hầu khắp các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Sau khi bão số 3 đổ bổ vào đất liền (chiều ngày 07/9), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã phát đi cảnh báo về nguy cơ xảy ra các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm này tại 17 tỉnh miền Bắc. 

Bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang và TP. Hải Phòng.

Trong ngày 11/9, ở bản tin phát lúc 8 giờ 40 phút sáng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới tại 16 địa phương.

Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nguyên nhân gây sạt lở đất đá ở khu vực miền núi chủ yếu do mưa lớn, đặc biệt trong mùa gió mùa từ tháng 5 đến tháng 10.

Cấp bách xây dựng bộ công cụ cảnh báo sớm sạt trượt đất đá 1
Trong ngày 11/9, ở bản tin phát lúc 8 giờ 40 phút sáng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới tại 16 địa phương

Những vùng núi càng cao sẽ càng có nguy cơ xảy ra thiên tai và sạt lở. Bản chất là do sau những trận mưa liên tiếp nhiều ngày, nước sẽ làm cho các tầng đất đá bồi giảm tác dụng ma sát (không phải tầng đá nguyên sinh). Dưới tác dụng của trọng lực thì những loại đất đá này sẽ có nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

“Các yếu tố như độ dốc lớn, phá rừng, sử dụng đất cũng như điều kiện địa chất góp phần làm cho các khu vực dễ bị sạt lở đất. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản, xây dựng đường sá và cắt dốc không đúng cách cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ sạt lở đất”, ông Khánh cho biết.

Còn theo TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, hiện tượng trượt lở đất đá xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư hoặc dọc các tuyến đường giao thông nằm sát các sườn đồi, núi, vách taluy cao dốc. Một số khu vực ít có nguy cơ trượt lở đất đá lại thường nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của nguy cơ lũ quét rất cao.

Yếu tố kích hoạt tự nhiên gây sạt lở, trượt lở đất đá khu vực miền núi được xác định chủ yếu là do mưa. Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt do con người đang ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như: phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi, khai thác khoáng sản...” .
TS. Trịnh Hải Sơn
Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân, các chuyên gia đều cho rằng, việc cấp bách là cần xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá và xác định các khu vực, lưu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá.

Bởi, hiện cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá ở tỷ lệ 1:50.000 của 37 tỉnh miền núi và trung du Việt Nam vẫn chưa được đầy đủ. Dữ liệu chưa được chuẩn hóa, đồng bộ gây nhiều khó khăn cho công tác tổng hợp dữ liệu.

Đặc biệt, theo TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hiện bộ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều tra, phân vùng nguy cơ cho các khu vực trọng điểm như: Số liệu địa hình ở tỷ lệ lớn (1:10.000, 1:5.000, 1:2.000) còn thiếu và chưa được cập nhật bổ sung. Do đó, dẫn đến kết quả xử lý bị sai và thiếu.

“Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một Trung tâm cơ sở dữ liệu liên ngành về trượt lở đất đá; đầu tư kinh phí tiến hành các đề án, dự án về điều tra trượt lở đất đá ở các tỷ lệ lớn cho các khu vực trọng điểm, nhạy cảm về trượt lở đất đá”, TS. Sơn kiến nghị.

Vấn đề mà các chuyên gia về địa chất, môi trường đặt ra thực sự rất cấp bách, nhưng là nhiệm vụ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Điều cần làm trước mắt là các địa phương miền núi phải tăng cường cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt trượt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do loại hình thiên tai này gây ra.

Đơn cử ở Lào Cai – địa phương liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất đá gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong những ngày gần đây, số liệu trong Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 06/02/2024 về phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 769 điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai; tuy nhiên, hiện mới chỉ có 168 điểm đã có biển cảnh báo.

Với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, tỉnh mới chỉ đặt biển cảnh báo được 93 điểm, vẫn còn 222 điểm chưa có biển cảnh báo. Cùng với đó là 113 điểm nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét cũng chưa được đặt biển cảnh báo.

Vì vậy, trong Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 06/02/2024 về phòng, chống thiên tai năm 2024, để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, giải pháp đề ra của tỉnh là triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai tổng hợp, như: Cử lực lượng canh, trực khi có mưa lớn, không xây dựng nhà ở tại vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...

Nhưng đây cũng chỉ là các giải pháp cảnh báo trong thế bị động. Bởi nguyên nhân gây sạt lở, trượt lở đất đá khu vực miền núi, trung du Việt Nam rất đa dạng; có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Do đó, việc xây dựng bộ công cụ cảnh báo sớm sạt trượt đất đá, với một bộ cơ sở dữ liệu liên ngành là giải pháp cần được ưu tiên triển khai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ chiều tối 11/9 đến sáng sớm ngày 12/9, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.