Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cao Bằng: Tiếp tục đổi mới các phương pháp tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

N. Nguyên - 22:50, 23/10/2023

Cao Bằng là một trong những địa bàn có tỷ lệ DTTS cao nhất cả nước, chiếm tới 94,88%, với 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn được lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, thậm chí có nơi có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS cùng nhiều hệ lụy.

Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo thống kê, năm 2020 toàn tỉnh có 186 cặp tảo hôn; năm 2021 có 261 cặp tảo hôn; năm 2022 có trên 100 cặp tảo hôn; 6 tháng đầu năm 2023 có 21 cặp tảo hôn… Độ tuổi tảo hôn thấp nhất với nữ là 14 tuổi, nam là 15 tuổi. Tình trạng tảo hôn thường diễn ra ở các địa phương như huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng...

Những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tảo hôn chủ yếu là do trình độ dân trí của các DTTS còn hạn chế, người dân chưa nhận thức rõ tác hại sâu xa của tình trạng tảo hôn... 

Triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh và lựa chọn 6 huyện có nhiều nguy cơ tảo hôn làm mô hình trọng tâm.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao bằng cho biết: Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tạo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… 6 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức thành công 5/5 Hội thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trung học cơ sở: Hạ Lang, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thạch An, Bảo Lâm.

Đặc biệt, ngày 20/9/2023 vừa qua, Đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đến giám sát tại huyện Nguyên Bình về kết quả triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo thống kê, từ năm 2015 - 2022, toàn huyện Nguyên Bình có 12 cặp tảo hôn, trong đó diễn ra chủ yếu ở nhóm dân tộc Dao, Mông; không còn hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Đạt được kết quả này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ đối với việc thực hiện quy định pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng DTTS, nhất là vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín, đội ngũ hòa giải viên, kịp thời, tuyên truyền, giáo dục thuyết phục những trường hợp có thể thực hiện việc TH&HNCHT tại địa phương. Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình; phòng, chống sinh sản vị thành niên, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, tác hại, hậu quả của việc TH&HNCHT… 

Qua đó, nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của TH&HNCHT được nâng lên rõ rệt, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, dòng tộc tự giác chấp hành, vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt chính sách, pháp luật; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin liên quan TH&HNCHT cho các bậc cha mẹ, học sinh cấp THCS, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và thanh thiếu niên trong cộng đồng. Từ đó, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng TH&HNCHT tiến tới dần được xóa bỏ.

Một trong những hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức
Một trong những hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức

Theo ông Bế Văn Hùng, quá trình thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Số cặp tảo hôn của tỉnh giảm rõ rệt. Năm 2015, chiếm 7%, đến năm 2020 còn 3% so với cặp kết hôn. Nội dung đề án có sức lan tỏa đến từng hộ gia đình. Nhận thức của đồng bào các DTTS về Luật Hôn nhân và Gia đình, tác hại của tảo hôn được nâng lên. Nhiều hộ gia đình nghiêm túc thực hiện và nhiều cặp chưa đến tuổi kết hôn hoãn cưới. Đặc biệt, các thành viên trong tổ tư vấn, trưởng xóm tại các mô hình điểm không có trường hợp tổ chức cưới tảo hôn…

Để giữ vững kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Cùng với đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đồng thời đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn. Chú trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp, cán bộ xã, thôn; phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động; lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; tuyên tuyền thông qua loa truyền thanh cơ sở, tại các cuộc họp xóm; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu bằng hình thức sân khấu hóa.