Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Cao Bằng: Thúc đẩy xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới từ các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Huệ Hoa - 10:16, 02/12/2024

Để giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS, thực hiện Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), Cao Bằng đã và đang tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Các mô hình đang đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

(Ban Chuyên đề - CĐ Ban Dân tộc Cao Bằng) Cao Bằng: Thúc đẩy xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới từ các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các tổ TTCĐ trên địa bàn tỉnh, ngày 14/11, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thi “Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong quá trình xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới” cấp tỉnh 2024

Giúp học sinh DTTS được lên tiếng

Tháng 5/2023, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Bảo Lâm, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quảng Lâm đã thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với 30 thành viên. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt 01 lần, vào ngày 15 hằng tháng.

Theo cô giáo Bùi Bảo Ngọc, Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quảng Lâm, hoạt động của CLB nhằm tăng cường kiến thức cho các em học sinh DTTS về kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kiến thức giới, bình đẳng giới, nhất là nội dung về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Sinh hoạt tại CLB, kiến thức được nâng lên, các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và cộng đồng.

Tham gia CLB, em Mạ Thị Lan, dân tộc Mông, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quảng Lâm đã hiểu hơn về những hệ lụy từ tảo hôn. Em Lan cho biết: “Về nhà, em đã chia sẻ những kiến thức đó với gia đình và thông tin cho các bạn biết tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Em mong các bạn hiểu và sẽ không còn ý định lấy chồng sớm”.

Cũng như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quảng Lâm, nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thành lập và vận hành sôi nổi mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là hoạt động thuộc Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719 nhằm đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Dù thành lập chưa lâu nhưng các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang hoạt động sôi nổi; qua đó trang bị cho học sinh DTTS kiến thức, kỹ năng hữu ích, thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, thực hiện Dự án 8 trên địa bàn, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thành lập 125 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực và tổ chức hoạt động của các CLB. Tính đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu của cả giai đoạn.

Đơn cử tại huyện Bảo Lạc, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục vào đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội phối hợp với các Trường THCS trên địa bàn huyện thành lập các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đến nay, toàn huyện đã có 14 CLB, với hơn 400 thành viên CLB và hơn 60 dẫn trình viên, hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao giai đoạn 2021-2025.

(Ban Chuyên đề - CĐ Ban Dân tộc Cao Bằng) Cao Bằng: Thúc đẩy xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới từ các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” 1
Huyện Hà Quảng hiện đã thành lập được 96 tổ TTCĐ, 5 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 22 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”

Tiên phong thay đổi trong cộng đồng

Trong Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719, để tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em thì một hoạt động quan trọng là xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng.

Trong đó, Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) là một trong các mô hình cơ bản. Tuy mới đi vào hoạt động, song các Tổ TTCĐ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân; qua đó, bước đầu thu được những kết quả tích cực.

Đơn cử tại xóm Bản Gùa, xã Trương Lương (huyện Hòa An); xóm có 108 hộ, 497 nhân khẩu, đa phần là đồng bào DTTS. Tháng 12/2022, Tổ TTCĐ xóm Bản Gùa được thành lập, với 08 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, với sự năng nổ, nhiệt tình, uy tín, trách nhiệm, các thành viên Tổ TTCĐ xóm Bản Gùa đã tích cực tuyên truyền bằng phương châm “Tuyên truyền tại chỗ, gặp ở đâu tuyên truyền ở đấy”.

Nhờ đó, những vấn đề như vứt rác bừa bãi, bạo lực gia đình; vấn đề sinh con thứ ba hay như các thủ tục rườm rà trong tổ chức việc cưới, việc tang,… đã được người dân nhận thức đầy đủ hơn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết chú trọng nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; nhiều hủ tục không phù hợp đã dần được người dân ở Bản Gùa thay đổi.

Theo bà Hoàng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa An, trên địa bàn huyện hiện đã thành lập được 63 tổ TTCĐ. Để hoạt động của các Tổ phát huy hiệu quả, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ loa kéo, tài liệu cũng như hướng dẫn các kỹ năng tuyên truyền để các thành viên tự tin phát huy nhiệm vụ, vai trò của mình.

Cũng như ở huyện Hòa An, các Tổ TTCĐ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, với thành viên là những người tại địa phương, gần gũi, có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới. Đặc biệt, các Tổ TTCĐ chủ yếu được thành lập tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức và hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em mà còn góp phần hoàn thành các nhiệm vụ Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các Tổ TTCĐ trên địa bàn tỉnh, mới đây (ngày 14/11), Hội LHPN tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thi “Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong quá trình xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới” cấp tỉnh 2024. Tham gia Hội thi có 9 đội thi là các Tổ TTCĐ đến từ 9 huyện.

(Ban Chuyên đề - CĐ Ban Dân tộc Cao Bằng) Cao Bằng: Thúc đẩy xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới từ các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” 2
Thực hiện Dự án 8, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025 thành lập 125 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh

Theo bà Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, Hội thi là dịp để các Tổ TTCĐ của Dự án 8 tại các huyện được giao lưu, học hỏi cách tuyên truyền hay, sáng tạo, hiệu quả về bình đẳng giới, xóa bỏ khuôn mẫu giới, những tập tục còn lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Mục đích hướng tới là nhằm xóa định kiến giới, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em phát huy vai trò, quyền năng của mình trong gia đình, xã hội, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại cơ sở.

Thực hiện Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025 thành lập 125 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức 306 cuộc đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn/bản; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; 42 cuộc tập huấn hướng dẫn về giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; 33 cuộc tập huấn về lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã; 115 cuộc tập huấn về lồng ghép giới cho cán bộ thôn, xóm;...


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.