Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán cây giống sâm Ngọc Linh giả

Ngọc Chí - 23:27, 06/07/2024

Mới đây, lần đầu tiên Công an Tp. Kon Tum (Kon Tum) đã xử lý vụ án hình sự liên quan đến hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán cây giống sâm Ngọc Linh giả qua mạng xã hội Facebook. Trước đây, lực lượng chức năng chỉ xử lý hành chính về hành vi buôn bán không rõ nguồn gốc xuất xứ cây giống. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum trong việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Lực lượng chức năng tiêu hủy 148 cây sâm giống giả sâm Ngọc Linh
Lực lượng chức năng tiêu hủy 148 cây sâm giống giả sâm Ngọc Linh

Khoảng tháng 3/2024, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an Tp. Kon Tum (Công an tỉnh Kon Tum) và Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum) phát hiện đối tượng L.V.C (28 tuổi) ở tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán cây giống Sâm Ngọc Linh giả.

Cụ thể, L.V.C sử dụng trang Fanpage Facebook tên “Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Kon Tum” thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video quảng cáo bán giống sâm Ngọc Linh, củ sâm Ngọc Linh xuất xứ huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Giá bán từ 30.000 - 50.000 đồng/cây giống 2 năm tuổi.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện ngày 14/5/2024, L.V.C chuyển 1 đơn hàng 150 cây giống sâm không rõ nguồn gốc nhưng mang nhãn mác sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho 1 người dân với mục đích mua để trồng lại. Ngay lập tức, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã triển khai lực lượng nhanh chóng niêm phong, kiểm tra đơn hàng, làm việc với bị hại. Qua kiểm tra, 150 cây giống không phải là sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Đối tượng L.V.C tại cơ quan Công an
Đối tượng L.V.C tại cơ quan Công an

Khi được triệu tập làm việc, đối tượng L.V.C thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.V.C về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trung tá Đào Nguyễn Thanh Sơn - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an Tp. Kon Tum cho biết: Vụ việc này được trao đổi trên không gian mạng, đối tượng sử dụng nhiều tài khoản Facebook, trong đó che giấu địa chỉ, nơi ở. Đồng thời đối tượng này ở vùng phía Bắc nên công tác xác minh, truy xét và truy tìm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng lực lượng Công an đã quyết tâm làm rõ được đối tượng, củng cố tài liệu chứng cứ, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý hình sự đối tượng, từ đó răn đe đối với những đối tượng khác có hành vi tương tự, để bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ được thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Cây sâm Ngọc Linh hiện được trồng chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam
Cây sâm Ngọc Linh hiện được trồng chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam

Hiện nay, chỉ cần lướt qua Facbook, Zalo có thể thấy hàng trăm tài khoản bán các sản phẩm dược liệu, đặc biệt là hạt, củ, lá, cây giống sâm Ngọc Linh. Thị trường sâm Ngọc Linh hiện như “ma trận”, thật, giả lẫn lộn để đánh lừa người tiêu dùng. Việc quảng cáo, mua bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sản xuất chân chính, đặc biệt làm cho người tiêu dùng bị nhiễu thông tin về chất lượng và giá trị của sâm Ngọc Linh do không phân biệt được sâm thật và sâm giả.

Ông A Điện Chung, người trồng sâm Ngọc Linh ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: Thực sự khi nhìn nhận hình cây giống và cái củ sâm Ngọc Linh người ta bán trên mạng phần lớn không phải là sâm Ngọc Linh. Toàn là sâm giả, tam thất, hay là củ sâm Trung Quốc. Vì vậy, mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý nghiêm những đối tượng này, để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Cây sâm Ngọc Linh chủ yếu được trồng ở một số huyện nằm quanh dãy núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam. Riêng tỉnh Kon Tum đã trồng hơn 2.400ha sâm Ngọc Linh, ngoài diện tích của các Công ty thì người dân trồng cũng tương đối nhiều, chủ yếu là đồng bào DTTS. Hiện số lượng cây giống sâm Ngọc Linh bán ra thị trường không nhiều và giá bán dao động trên 300 nghìn đồng/1cây 1 năm tuổi. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng khi đặt mua các loại cây giống sâm Ngọc Linh được bán với giá rẻ trên các trang mạng xã hội.

Cây giống sâm Ngọc Linh thật 1 năm tuổi hiện được bán với giá trên 300 nghìn đồng/1 cây
Cây giống sâm Ngọc Linh thật 1 năm tuổi hiện được bán với giá trên 300 nghìn đồng/1 cây

Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum kiến nghị: Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, các ngành chức năng cần tập trung ngăn ngừa các hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả trên các mạng xã hội và tăng cường hoạt động kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sâm Ngọc Linh củ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng biết về tình trạng lừa bán sâm giả sâm Ngọc Linh đang phổ biến trên mạng. Xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tên miền “samngoclinh” để rao bán các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm khác từ sâm gắn với thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng các quy định về sở hữu trí tuệ.

Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh - Quốc bảo của Việt Nam, đã đến lúc chính quyền và các ngành chức năng, nơi có chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh cần vào cuộc quyết liệt làm rõ thông tin các công ty, doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sâm Ngọc Linh đang được bày bán trên thị trường, trên mạng xã hội và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh không đảm bảo các quy định hiện hành.