Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cẩn trọng với các bệnh viêm da và đề phòng phát sinh dịch bệnh sau lũ

Minh Nhật - 07:00, 19/09/2024

Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao; nhiều khu lụt lội... khiến người dân dễ mắc các bệnh về da.

Trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị viêm da, nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân
Trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị viêm da, nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân

Các bệnh viêm da

Mưa lớn kéo dài gần 2 tuần nay tại các tỉnh thành miền Bắc tiềm ẩn những mối nguy hại đến sức khoẻ. Bên cạnh các bệnh dịch như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ… thì các vấn đề về da cũng khá thường gặp…

Bác sĩ Phương nhấn mạnh, trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là bệnh da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân...

Bên cạnh đó, còn bệnh lý viêm da do vi khuẩn chủ yếu trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, khi người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.

Theo chuyên gia này, gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nấm bàn chân, nấm móng chân, nấm bẹn... viêm da do nhiễm trùng. "Bệnh nhân tăng lên so với mùa khô 30%", bác sĩ Phương cho hay.

Một điều đáng cảnh báo là hiện bệnh nhân hay có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè mách sử dụng các loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai đắp lá, ngâm lá, hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc...

"Ngay cả khi bệnh nhân mang thuốc đến cho chúng tôi xem, họ cũng không hiểu thuốc đó trị bệnh gì, chỉ biết được mách. Như thế, bác sĩ chúng tôi rất khó điều trị và người bệnh có thể gặp tai biến do dùng thuốc không đúng. Bên cạnh đó, một số người thích ngâm, đắp lá nhưng không biết khi đó sẽ làm kích ứng, da khô, nứt nẻ, thậm chí loét. Nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ tiến triển nặng lên, sẽ dẫn tới tai biến như ngứa, loét, chảy dịch, sưng nóng đỏ...", bác sĩ Phương nói.

Về hướng xử trí, bác sĩ Phương nhấn mạnh, khi gặp sự bất thường của làn da, người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.

Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.

Cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn.
Cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn

Đề phòng phát sinh dịch bệnh vùng ngập lụt

Trong tuần qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết, 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện: Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất; tăng 37 ca, giảm 1 ổ dịch so với tuần trước đó. Hiện còn 18 ổ dịch đang hoạt động.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm). Thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch tuần qua vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Do đó, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Cùng với sốt xuất huyết, tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 52 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 22 ca so với tuần trước. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.961 ca mắc tay chân miệng.

Do đó, những ngày tới, những vùng mới bị ngập úng hoặc đang tiếp diễn tình trạng này cần tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đồng thời, thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Các trung tâm y tế các địa phương vùng ngập lụt tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt; tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành Y tế.