Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cần đặc biệt quan tâm tới chính sách vay ưu đãi cho đồng bào DTTS

Hoàng Quý - 06:38, 26/05/2024

Tiếp theo Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5, tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới các chính sách vay ưu đãi đối với người DTTS.

đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang)
Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang)

Theo đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang), bên cạnh kết quả đạt được, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng chậm so với yêu cầu đề ra. Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế chậm được cung ứng, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.... Những tồn tại, hạn chế báo cáo giám sát đã phân tích, đánh giá toàn diện các nguyên nhân, bao gồm chủ quan và khách quan.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Âu Thị Mai thống nhất cao với các đề xuất của Đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị:

Đối với Quốc hội: Tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đối với Chính phủ: Xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân người DTTS sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP.

Đối với các Bộ, ngành trung ương: Khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Đối với các địa phương: Đẩy nhanh thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai…

đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang)

Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cũng cho rằng còn một số chính sách chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Đại biểu cho biết, qua phản ánh của cử tri và thực tiễn giám sát của địa phương, đại biểu chỉ ra rằng, các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn so với nhu cầu thực tế, nhất là chương trình cho vay phát triển vùng đông bào DTTS và miền núi, đặc biệt là cho vay nhà ở chính sách xã hội trên địa bàn các tỉnh này.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng việc thực hiện chương trình viễn thông công ích, chương trình “Sóng và máy tính cho em” không đạt được mục tiêu do vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc xác nhận đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ thuê bao internet, nhất là ở các địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Đại biểu cho biết hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn có 27 thôn trắng sóng và 155 thôn ở khu vực đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ số, nhất là những vùng đồng bào DTTS; quyết liệt triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương xuống địa phương; tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.