Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em DTTS

Vũ Lợi – Hương Chi - 15:29, 16/11/2020

Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Điện Biên tích cực triển khai các chương trình, dự án, các hoạt động cải thiện dinh dưỡng bền vững cho trẻ em DTTS tại các huyện vùng cao của tỉnh. Theo đó, các chỉ số suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 2 - 4%; trong đó, tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân giảm từ 18% xuống còn 16%; trẻ em SDD thấp còi giảm từ 45% xuống 41%.

Giai đoạn 2017 - 2020, chỉ số SDD trẻ em dưới 5 tuổi tại Điện Biên đã giảm từ 2 - 4%
Giai đoạn 2017 - 2020, chỉ số SDD trẻ em dưới 5 tuổi tại Điện Biên đã giảm từ 2 - 4%

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên): Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống SDD trẻ em, trước tiên cần truyền thông hiệu quả nguyên nhân trẻ bị SDD, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể.

Tại Điện Biên, tỷ lệ trẻ em DTTS bị SDD dưới 5 tuổi tuy đã được cải thiện nhưng hiện vẫn cao so với cả nước, đặc biệt là SDD thể thấp còi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đủ về lượng và chất lượng như: Trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, không được ăn bổ sung dinh dưỡng hợp lý... Ngoài ra, một số nguyên nhân gián tiếp như điều kiện kinh tế gia đình, môi trường ô nhiễm, dịch vụ chăm sóc y tế chưa tốt, thiên tai xảy ra thường xuyên, cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, cai sữa sớm cho bé hoặc trẻ bị đẻ non…

Dấu hiệu nhận biết trẻ SDD thường có biểu hiện biếng ăn, ăn ít, chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân, da xanh, tóc thưa rụng, dễ gãy, trẻ hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhão… Ðặc biệt, trẻ SDD thường chậm phát triển vận động: Chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng...

Từ những nguyên nhân đó, giải pháp đưa ra là cần truyền thông để các bà mẹ bảo đảm bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng hợp lý trong thời kỳ mang thai và sau sinh; chế độ chăm sóc trẻ sinh non, trẻ không được bú hoặc bú ít sữa mẹ; cách chăm sóc trẻ thời kỳ ăn dặm đến dưới 5 tuổi… Để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, các phụ huynh có thể tận dụng các loại rau, củ, quả, các loại hạt, trứng, thịt… có tại địa phương; sử dụng đa dạng thực phẩm kết hợp tham gia đầy đủ các chương trình y tế về dinh dưỡng...

Đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu về phòng, chống SDD trẻ em trong Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, ngành Y tế tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng SDD ở trẻ như: Tập trung truyền thông và duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng vào các dịp cao điểm như: “Tháng hành động vì trẻ em”; Chiến dịch uống Vitamin A bổ sung và tẩy giun, “Ngày vi chất dinh dưỡng”; tuyên truyền “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại các huyện, thị, thành phố và các cộng tác viên dinh dưỡng; Bổ sung Vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi, tẩy giun cho trẻ 24 - 60 tháng tuổi 2 đợt/năm. Hằng năm triển khai điều tra tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em trên toàn tỉnh.

Từ đầu năm 2020, Tổ chức tầm nhìn thế giới triển khai thực hiện các mô hình phòng, chống SDD tại các huyện 4 vùng cao: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Chà.

Để công tác phòng, chống SDD cho trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực sự đạt được những kết quả khả quan, cần có sự chung tay, góp sức mạnh mẽ hơn của cả cộng đồng.