Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các tỉnh khu vực Tây Nam bộ: Linh hoạt nhiều hình thức dạy và học nhưng vẫn không hết khó

N.Tâm - H.Diễm - 15:45, 03/11/2021

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều phức tạp, nên các trường học ở các tỉnh Tây Nam bộ tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học theo một số hình thức linh hoạt khác. Việc học trực tuyến không mới, nhưng gặp không ít khó khăn khi học sinh thiếu phương tiện, thiết bị để học, đặc biệt là đối tượng học sinh người Khmer, học sinh nghèo. Với những trường hợp này, thầy cô phải đến từng nhà học sinh để gửi bài, phiếu học tập rất vất vả.

Những học sinh không có thiết bị học trực tuyến tại nhà, nhà trường đã tạo điều kiện cho các em tham gia học trực tuyến tại trường
Những học sinh không có thiết bị học trực tuyến tại nhà, nhà trường đã tạo điều kiện cho các em tham gia học trực tuyến tại trường

Sau thời gian thực hiện việc học trực tuyến, kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ cho thấy, học sinh tham gia học khá đầy đủ, nhiệt tình, thích nghi dần với hình thức học trực tuyến. Các em có thể sử dụng các thiết bị thông minh để phục vụ việc học tập, gia đình quan tâm đầu tư trang thiết bị học tập, phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý các em. 

Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến cũng có nhiều khó khăn, do phần mềm ứng dụng chưa đồng bộ, còn nhiều học sinh không có thiết bị học trực tuyến... Theo đó, có gần 5,8% học sinh cấp THCS (4.020 học sinh), 1,2% học sinh cấp THPT (400 học sinh) ở vùng khó khăn, vùng DTTS thiếu thiết bị học tập, không có đường truyền internet nên chưa thể tham gia học trực tuyến.

Ghi nhận tại Trường THCS Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) có 588 học sinh. Hiện trường còn 30 em học sinh thiếu trang thiết bị học tập. Với đặc thù có đông học sinh dân tộc Khmer, việc dạy và học ở trường này vốn đã có phần khó khăn, do nhiều em tiếp thu bài chưa tốt. Học sinh ở các nơi khác có thể học một buổi thì hiểu bài, nhưng học sinh ở trường phải dạy 2 - 3 buổi các em mới nắm vững kiến thức. Vì thế, nhà trường đã tìm hiểu hoàn cảnh mỗi em học sinh để có hướng hỗ trợ phù hợp nhất.

Đối với những em không có thiết bị học trực tuyến, không có số điện thoại tạo Zalo, không Email, thì nhà trường giao giáo viên bộ môn và thầy cô chủ nhiệm soạn bài và đưa bài giảng tới cho các em. Còn các em có tài khoản mạng xã hội, số điện thoại thì nhà trường tạo điều kiện cho các em đến trường học trực tuyến bằng máy tính của nhà trường.

Tuy nhiên, đối với các em học sinh DTTS việc hỗ trợ này cũng không phải là hết khó khăn. Em Dương Tiến (dân tộc Khmer), lớp 7A3, Trường THCS Thới Xuân bộc bạch: Mỗi tuần cô giáo chủ nhiệm mang bài giảng đến, nhưng nhiều bài không hiểu em không biết hỏi ai. Cha mẹ không thể giải thích, chỉ có thể chờ sang tuần khi cô giáo đến em mới hỏi, nhưng như vậy em bị gián đoạn kiến thức, việc học không hiệu quả. "Em chỉ mong được đến trường học trực tiếp, khi ấy có không hiểu chỗ nào sẽ nhờ thầy cô giải đáp liền…”.

Học sinh không có điều kiện học trực tuyến giáo viên sẽ mang bài giảng đến tận nhà
Học sinh không có điều kiện học trực tuyến giáo viên sẽ mang bài giảng đến tận nhà

Còn tại Hậu Giang, năm học 2021 - 2022 này, toàn tỉnh có khoảng 160.000 học sinh, trong đó có đến 60.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS không có điều kiện mua sắm thiết bị học tập.

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết, việc học online thời gian qua gặp nhiều khó khăn cho cả thầy cô và các em học sinh, nhất là với em có hoàn cảnh khó khăn việc dạy và học vất vả vô cùng. Giải pháp hiện nay vẫn là, các em ở xa, không có điều kiện học online thì nhà trường vận động, khuyến khích các em sang nhà bạn học nhờ. Hoặc với những em không thể học trực tuyến, mỗi tuần giáo viên sẽ tranh thủ thời gian đến đưa tài liệu hướng dẫn các em học.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện tại ngành Giáo dục đang nỗ lực thích ứng với việc dạy và học. Trong quá trình chuyển đổi phương thức giảng dạy gặp nhiều khó khăn hạn chế, tuy nhiên các thầy cô cũng đã và đang nỗ lực để khắc phục, linh hoạt sắp xếp chương trình, tạo tâm lý thoải mái cho các em được cập nhập kiến thức kịp thời và đầy đủ.