Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cà Mau ghi nhận trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên

Tào Đạt - Như Tâm - 18:24, 29/02/2024

Ngày 29/2, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, đã có kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, xác định bệnh nhân C.V.B (36 tuổi) dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn. Nam bệnh nhân làm nghề lao động tự do, địa chỉ tại xã Định Bình, Tp. Cà Mau. Ngày 19/2, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nên đi khám, điều trị tại một phòng khám đa khoa tư nhân, được cho thuốc uống 3 ngày nhưng tình trạng không giảm.

Bệnh nhân được hướng dẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám. Tại đây, bác sĩ Khoa Da liễu thăm khám, hướng dẫn lên Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Sau khi đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, được chẩn đoán nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ là căn bệnh nguy hiểm, có thể lây lan
Đậu mùa khỉ là căn bệnh nguy hiểm, có thể lây lan

Điều tra dịch tễ cho thấy, gia đình bệnh nhân có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày và 2 người em đang sinh sống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ cho người này. Những người thân đang được cách ly theo dõi, chưa có dấu hiệu bệnh.

Ông Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, ngành Y tế tăng cường công tác khử khuẩn, điều tra dịch tễ đối với người tiếp xúc gần, nhằm phát hiện sớm ca mắc mới, kịp thời cách ly, điều trị. Trung tâm cũng tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời phối hợp truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng bằng nhiều hình thức.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, theo đó chủ động giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn toàn tỉnh.

Được biết, đậu mùa khỉ là bệnh tái nổi, lây nhiễm ở nhiều nước trên thế giới từ giữa năm 2022 đến nay. Tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam ghi nhận 117 ca đậu mùa khỉ tại 10 tỉnh thành phía Nam, trong đó 6 người tử vong (tỷ lệ 5,1%). Phía Bắc hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào.

Giữa tháng 12/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chủng virus đậu mùa khỉ mới nguy hiểm hơn chủng xuất hiện năm ngoái, triệu chứng nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, khoảng 10%. Năm 2022, WHO cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính toán dựa trên số liệu có vào thời điểm ấy, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ khoảng 0,03%, với 5 ca tử vong trên 16.000 ca bệnh ghi nhận ở toàn cầu. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với SARS (10%) và MERS (34%), trong khi tỷ lệ tử vong do Covid là 1 - 2%, cúm mùa 0,1 - 0,2%.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn và cơ quan sinh dục/hoặc quanh vùng hậu môn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy và hình thành một lớp da mới.

Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.