Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bức tranh Panorama - tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ

Vũ Lợi - 19:23, 06/05/2021

Sau hơn 18 tháng nỗ lực thi công, đến nay bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ du khách vào dịp Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2021). Bức tranh không chỉ mang giá trị về lịch sử, là thông điệp về khát vọng hòa bình mà còn là nguồn tư liệu quý, góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

 Trường đoạn 4 với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên"
Trường đoạn 4 với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên"

Hùng tráng, kỳ vĩ và đầy cảm xúc tự hào, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi đứng trước bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được hoàn thiện tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng diện tích là 3.225m².

Với 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề rõ ràng gồm: “Toàn dân ra trận” - là trường đoạn 1 với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến; Kế tiếp là trường đoạn “Khúc dạo đầu hùng tráng” - với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta; Trường đoạn thứ 3 là “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, giây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa; Trường đoạn 4 là khung cảnh hào hùng về “Chiến thắng Điện Biên” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên, với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Một phân cảnh trường đoạn 3 mô tả cảnh cho nổ khối bộc phá trên đồi cao A1
Một phân cảnh trường đoạn 3 mô tả cảnh cho nổ khối bộc phá trên đồi cao A1

Từ đó có thể thấy, bức tranh đã mô tả, khắc họa rõ nét “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta để làm nên “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”, gửi đến cả thế giới thông điệp về khát vọng giành độc lập, tự do. Dù đội quân xâm lược có hùng mạnh đến như thế nào cũng thất bại trước tinh thần đoàn kết của dân tộc ta.

Cùng với ngòi bút tài tình, các họa sĩ tham gia vẽ tranh đã tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần mô hình đắp nổi. Tất cả được xâu chuỗi, kết nối tạo nên một bức tranh toàn cảnh về trận chiến Điện Biên Phủ, gây ấn tượng mạnh mẽ tới người xem.

Ông Nguyễn Hữu Chấp, Cựu chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: “Khi nhìn thấy bức tranh, cảm xúc thật dạt dào như mình mới tham dự chiến dịch gần đây chứ không phải cách đây hơn 60 năm. Toàn bộ nội dung bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ như làm sống lại thời kỳ chiến đấu hào hùng ấy, rất nhiều anh em, đồng chí, đồng đội đã hy sinh mới có được như ngày hôm nay”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, Chủ trì thực hiện bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa là đơn vị thiết kế trang trí bảo tàng đã đề xuất vẽ phác thảo bức tranh này. Sau hơn một năm hoàn thiện đề cương, bức tranh đã được tiến hành vẽ phác thảo trên nền vải với chiều cao 2,3m. Tỉnh Điện Biên sau đó cũng đã thành lập một hội đồng nghệ thuật với những chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, tổ chức các hội thảo với sự có mặt của những cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà sử học, nhà báo để cùng tham gia đóng góp ý kiến.

Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao

“Bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ là bức tranh hoành tráng ở Việt Nam lần đầu tiên tôi chủ trì thực hiện. Chúng tôi có gần 1.000 ngày để thể hiện bức tranh đó bằng tất cả những bút pháp về hội họa, sắp đặt, ánh sáng, âm nhạc để trở thành một công trình tổng hòa mang tầm cỡ lớn”, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay, bức tranh Panorama đã hoàn thiện, phục vụ công chúng tham quan vào đúng ngày Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới (7/5/1954-7/5/2021). Bức tranh không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn giúp chúng ta hiểu thêm những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ gần 70 năm về trước. Đồng thời cũng sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.