Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

BRT, cây xanh và sợi dây kinh nghiệm “rút mãi chưa hết“

PV - 09:06, 27/02/2018

Nếu BRT không hiệu quả hoặc phá sản thì phải có người chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không thể rút kinh nghiệm là xong!

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội vừa đề xuất thành phố cho các phương tiện khác đi vào đường buýt nhanh BRT trong một số khung giờ.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội rất nhiều lần trì hoãn, đội vốn… nay vẫn đang nằm thách thức với gió sương, "thi gan cùng tuế nguyệt".

Sau bao nhiêu năm miệt mài thay cây, trồng cây… nhiều tuyến phố đã “quá đà” trong việc trồng cây hoa sữa, trồng các loại cây xanh với mật độ quá dày… Bước đầu, những hệ lụy của việc trồng cây hoa sữa đã xuất hiện. Người dân thực sự bức bối, khó chịu, có cảm giác như bị tra tấn khi đến mùa hoa sữa tỏa hương.

BRT giành một làn đường ưu tiên nhưng vắng khách trong khi bên cạnh các phương tiện chen chúc từng mét đường. BRT giành một làn đường ưu tiên nhưng vắng khách trong khi bên cạnh các phương tiện chen chúc từng mét đường.

Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều dự án của Hà Nội, của đất nước với suất đầu tư lớn nhưng hiệu quả lại không cao. Trong tương lai gần, rất có thể chúng ta phải nhìn thấy cảnh không còn BRT gây chướng tai, gai mắt, một chiếc bus chễm chệ một làn đường chở vài người khách thách thức với làn xe cộ chen chúc, ùn tắc đi bên cạnh.

Và chúng ta chắc chắn sẽ phải chứng kiến cảnh đốn hạ bớt những cây hoa sữa trên nhiều tuyến phố để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân thành phố.

Rõ ràng, đất nước đã phải chi trả rất nhiều tiền ngân sách để cho các đoàn cán bộ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, mô hình ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội… thế nhưng, vì sao khi áp dụng vào Việt Nam lại bị méo mó đi như vậy? Ai cũng hiểu, Việt Nam không thể bê nguyên si các mô hình ở trên thế giới về trong nước nhưng cách biến hóa để nó phù hợp với thực tế đất nước thì lại vô cùng khó hiểu, gây thất thoát, lãng phí vô cùng lớn.

Đất nước ta đang bị nghèo đi vì đầu tư công không hiệu quả, thất thoát lãng phí vô cùng lớn. Những thất thoát ấy đi đâu, chảy vào túi ai thì thực tế đã có câu trả lời. Đã đến lúc chúng ta cần lấy lại kỷ cương chi tiêu ngân sách Nhà nước. Phải thấy rõ, vì sao cái gì Nhà nước làm cũng xảy ra thất thoát, thậm chí không hiệu quả, đắp chiếu để hoang hóa với thời gian. Trong khi đó, tư nhân, nước ngoài vào đầu tư thì “một vốn, bốn lời”.

Người dân lao động, kinh doanh, đóng thuế để xây dựng đất nước. Thế nên, những người sử dụng những đồng tiền ấy không thể lấy tiền tỷ của dân để thử nghiệm một cách tràn lan, gây thất thoát, rồi sau đó chỉ cần tuyên bố thử nghiệm không thành công là xong. Chúng ta phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của những người được giao tiền, giao quyền sử dụng những đồng tiền thuế ấy.

Người dân nộp thuế để trả lương cho những người làm trong bộ máy Nhà nước. Trách nhiệm của những người hưởng lương là phải cho những đồng tiền ấy sinh sôi, nảy nở, đầu tư vào những công trình, dự án phục vụ đời sống người dân. Nhưng thực tế, tại nhiều dự án, công trình, câu trả lời ngược lại hoàn toàn với mong muốn của người dân. Các dự án, công trình đó như những cái gai hàng ngày đâm vào mắt những người chứng kiến; gây cản trở, khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân.

Sau mỗi sai lầm, đổ vỡ chúng ta lại nêu cao những bài học, rút kinh nghiệm sâu sắc, còn những người đáng lẽ phải bị xử lý nghiêm thì lại có hình thức kỷ luật nhẹ hều, thậm chí còn được thăng quan, tiến chức, gây bức xúc trong nhân dân.

Tham nhũng đang đi liền với lãng phí. Nếu không có giải pháp quản lý, xử lý hiệu quả thì dù có xử lý được tham nhũng thì ngân sách vẫn bị thâm hụt một khoản rất lớn. Chỉ có sự minh bạch, xử lý thật nghiêm những vi phạm, sai sót trong khâu lập dự án, qui hoạch, thực thi…thì mới mong không phải chạy theo trả tiền cho những sợi dây kinh nghiệm cứ mãi kéo dài./.

THEO VOV