Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bồi dưỡng, phát triển nguồn cán bộ nữ DTTS tại Lai Châu: Chú trọng công tác tạo nguồn (Bài 1)

Thùy Giang - 11:16, 30/10/2022

Việc bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nữ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) trong thời gian qua ở vùng khó khăn, biên giới Lai Châu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tạo nguồn cán bộ nữ đồng bào DTTS ở vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Bác sĩPờ Hồng Vân (người ngoài cùng bên phải, Trưởng phòng Y tế huyện Mường Tè (Lai Châu) đang chỉ đạo công tác y tế tại đơn vị.
Bác sĩ Pờ Hồng Vân, dân tộc Si La (người ngoài cùng bên phải) Trưởng phòng Y tế huyện Mường Tè (Lai Châu) đang chỉ đạo công tác y tế tại đơn vị.

Bồi dưỡng để tạo nguồn

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có 20 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm trên 84%, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS, đặc biệt là nữ cán bộ người DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, việc tạo nguồn nữ cán bộ DTTS ở vùng biên giới, khó khăn của Lai Châu là nhiệm vụ cấp thiết cả trước mắt và lâu dài, giúp đảm bảo số lượng và chất lượng cán bộ nữ người DTTS, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nói chung và cán bộ nữ người DTTS nói riêng để tạo nguồn cán bộ cho vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Chị Pờ Hồng Vân (sinh năm 1977, dân tộc Si La) là một điển hình như vậy. Ở xã Kan Hồ năm xưa, cuộc sống của người Si La còn nghèo khó lắm, hầu hết trẻ con không được đi học, con gái càng không được ưu tiên. Nhưng Pờ Hồng Vân vẫn quyết tâm đi học. Chị bắt đầu đi học lớp 1 từ năm 11 tuổi và trải qua suốt 12 năm học dưới mái trường nội trú “được Nhà nước nuôi”. Sau này, chị theo học chuyên nghiệp tại Trường Trung cấp Y tế và trở về công tác tại địa phương.

Với năng lực chuyên môn tốt, cộng với sự nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, chị Pờ Hồng Vân đã sớm được tổ chức quan tâm bồi dưỡng, đào tạo. Trong thời gian công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Tè, Pờ Hồng Vân được cơ quan tạo điều kiện cho học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lí luận chính trị, bồi dưỡng các chức danh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chị đã tốt nghiệp Bác sĩ Chuyên khoa I, đạt trình độ cao cấp lí luận chính trị và có nhiều chứng nhận về bồi dưỡng chức danh khác. Bác sĩ Pờ Hồng Vân được tín nhiệm, phát triển qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Từ năm 2017, chị trúng cử ĐBQH Khóa XIII, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Hiện, chị là Đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng phòng Y tế (thuộc UBND huyện Mường Tè). Chị Pờ Hồng Vân vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Bản thân có nhu cầu nguyện vọng đi học là được cấp trên tạo điều kiện. Trong quá trình công tác, luôn được động viên, tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Còn tại Pa Vệ Sủ - một xã biên giới được coi là khó khăn nhất của huyện Mường Tè, chúng tôi gặp chị Lò Phù Mé (sinh năm 1981, dân tộc La Hủ), Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Chị Mé chia sẻ, chị đi làm tại UBND xã Pa Vệ Sủ khi mới học hết THCS. Một thời gian sau, được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho tiếp tục học tập hoàn thiện trình độ văn hóa phổ thông 12/12 và phát huy năng lực, sở trường để trở thành nữ cán bộ tại địa phương. Không phụ lòng của cấp trên, chị Lò Phù Mé đã thể hiện được năng lực của mình trong thực thi nhiệm vụ. Sau này, chị đã tiếp tục học đại học nâng cao trình độ chuyên môn, lí luận chính trị và hoàn thiện nhiều chứng chỉ bồi dưỡng chức danh theo quy định. Từ năm 2001 đến nay, trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng tại xã, hiện chị là cán bộ chủ chốt Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ.

Chị Lò Phù Mé, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) thực hiện Lễ ký kết công tác dân vận tại xã Pa Vệ Sủ.
Chị Lò Phù Mé, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) thực hiện Lễ ký kết công tác dân vận tại xã Pa Vệ Sủ.

Có thể nói, để có được những cán bộ nữ người DTTS, đặc biệt là những nữ cán bộ có năng lực ở vùng biên giới, khó khăn, không phải là chuyện một sớm một chiều. Đó là kết quả của một quá trình, cần sớm bồi dưỡng những cá nhân có tiềm năng để tạo nguồn, xây dựng đội ngũ nữ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Tè cũng nhận định rằng: “Các nữ cán bộ DTTS có trình độ, khả năng đã được bồi dưỡng từ sớm để tạo nguồn cán bộ chất lượng cho địa phương. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Tè thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ nữ là người DTTS. Cho nên phụ nữ DTTS được đưa vào quy hoạch nguồn cán bộ của địa phương tỷ lệ ngày càng tăng. Nhiều cán bộ nữ được bố trí giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị, nhờ vậy vai trò, vị thế của người phụ nữ ngày càng được khẳng định”.

Đóng góp cho sự phát triển của địa phương

Nếu trước đây, phụ nữ DTTS ít được quan tâm học hành, trình độ thấp, có người không nói được tiếng phổ thông, thường ở nhà nuôi con, làm các công việc đồi nương, nghề thủ công, thu nhập thấp, thì nay vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được nâng lên trong gia đình và xã hội. Tại vùng biên giới, vùng khó khăn Lai Châu, nhiều cán bộ nữ người DTTS được tín nhiệm giữ trọng trách quan trọng trong tổ chức, khẳng định được vai trò của mình trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trở thành những tấm gương tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển của địa phương trên nhiều lĩnh vực.

Một góc bản của người Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè hôm nay (Ảnh Ngọc Ánh)
Một góc bản của người Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè hôm nay (Ảnh Ngọc Ánh)

Chị Pờ Hồng Vân với vai trò Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng phòng Y tế huyện Mường Tè đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, chỉ đạo ngành y tế huyện nhà. Trong gần 3 năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 nhưng công tác chăm sóc y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Mường Tè đều đạt được kết quả tích cực. Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, chị là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương mình. Chị giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, lắng nghe những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho cử tri theo quy định. Chị cũng tích cực thực hiện các chương trình hành động vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn vùng sâu vùng xa, phụ nữ DTTS nhằm góp phần thực hiện mục tiêu quyền bình đẳng giới.

Tại xã Pa Vệ Sử, nơi chị Lò Phù Mé công tác trong hơn 10 năm qua đã có nhiều khởi sắc về điều kiện kinh tế - văn hóa- xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo giảm, trước kia, nhiều hộ gia đình ở nhà tranh vách nứa thì nay đã có khoảng trên 90% hộ gia đình có nhà kiên cố, bảo đảm tiêu chuẩn. Công tác y tế, giáo dục được quan tâm, trình độ dân trí được nâng lên.

Chị Lò Phù Mé chia sẻ, trước đây, các cháu nhỏ thường chỉ được học hết tiểu học, nay đã có nhiều cháu có bằng cấp cao hơn. Tỉ lệ nghiện hút giảm rõ rệt. Gần đây, với vai trò là Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, chị Lò Phù Mé và tập thể lãnh đạo của xã đã có những lãnh, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án thủy điện trên địa bàn xã, giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng hiệu quả; thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn xã phát triển mô hình sâm Lai Châu, trồng cây dược liệu, tam thất, quế... để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong xã. Cấp ủy, chính quyền xã cũng thường xuyên phối hợp với đồn biên phòng đóng trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự đường biên mốc giới đc giữ vững.

Nữ cán bộ DTTS đã thể hiện vai trò, sự đóng góp của mình ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. ÔngTrần Đức Hiển, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Tè khẳng định: “Đội ngũ cán bộ nữ từng bước được trưởng thành, ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng và có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới.”

Những đóng góp của nữ cán bộ DTTS càng lớn càng thể hiện rõ vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời đại mới. Điều này có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người dân, của nam giới, của nhà quản lý đối với vai trò của phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS làm cán bộ ở những vùng biên giới, khó khăn, góp phần vào công cuộc bình đẳng giới ở vùng DTTS. Những giá trị do thế hệ cán bộ nữ đi trước để lại, là tiền đề cho thế hệ nữ tiếp sau phát triển, đóng góp cho công cuộc xây dựng bản làng, quê hương hội nhập và phát triển.