Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số

Hồng - Loan - 07:18, 18/11/2023

Trong những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo đời sống vật chất cho học sinh, Trường PTDTNT THPT Miền Tây tỉnh Yên Bái đã kết hợp đưa nét đẹp văn hóa truyền thống lồng ghép vào tiết học; cũng như các hoạt động của nhà trường, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Không gian sinh hoạt văn hóa dân tộc của các em học sinh Trường PTDTNT THPT Miền Tây
Không gian sinh hoạt văn hóa dân tộc của các em học sinh Trường PTDTNT THPT Miền Tây

Trường PTDTNT THPT Miền Tây có 12 lớp học, với 420 học sinh đều là con em đồng bào các DTTS: Thái, Mông, Dao, Tày… Không chỉ chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường còn đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thường xuyên duy trì mặc trang phục các dân tộc vào ngày đầu tuần và các ngày lễ, tết. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian như võ thuật dân tộc, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, ném còn...góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.

Để việc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc đi vào chiều sâu, có hiệu quả, những năm qua trường PTDTNT THPT Miền Tây đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giáo dục văn hoá dân tộc. 

Nhà trường đã lồng ghép, đưa vào chương trình giảng dạy các hoạt động ngoại khóa truyền dạy về trang phục truyền thống của dân tộc, dạy những điệu hát, trò chơi dân gian, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc... nhằm giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc mình Qua đó, giáo dục lòng tự hào dân tộc, có thái độ thân thiện, tôn trọng và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa và các môn học đã giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc mình
Thông qua các hoạt động ngoại khóa và các môn học đã giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc mình

Cô Hà Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT Miền Tây cho biết: Các em học sinh của nhà trường hầu hết là con em gia đình các dân tộc thiểu số. Mỗi em học sinh được sinh ra trong chiếc nôi văn hóa dân tộc mình với những tiếng khèn Mông, với những điệu xòe Thái cổ, những trò chơi ném còn, ném pao… Những giá trị văn hóa dân tộc đó đã nuôi dưỡng tâm hồn các em.

 Nhưng rồi khi các em rời xa làng bản vào học tại các trường nội trú, áp lực học tập, sự lôi cuốn của cuộc sống, sự ảnh hưởng của công nghệ thông tin thời 4.0 cùng với việc ít tiếp xúc và thực hành văn hóa với cộng đồng … có thể khiến các em lãng quên một cách chủ động hay thụ động những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình.

“Ban Lãnh đạo Nhà trường luôn xác định ngoài việc giáo dục đạo đức, nâng cao chất lương học tập cho học sinh, cần giáo dục cho các em hiểu bản sắc văn hóa, tôn trọng giá trị của dân tộc mình và các dân tộc khác, làm cho các em xích lại gần nhau hơn và có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình”, cô Hà Bích Ngọc chia sẻ.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa và tích hợp các môn học đã giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc mình, tiếp thu, học tập những giá trị văn hóa tốt đẹp để làm phong phú hơn nền văn hóa dân tộc.

Em Triệu Thị Hương Giang, dân tộc Dao, học sinh lớp 12B cho biết: Ngoài giờ học trên lớp chúng em còn được tham gia các hoạt động ngoái khóa về văn hóa dân tộc, được học những làn điệu dân ca truyền thống do Nhà trường tổ chức, em càng thấy tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc. Em sẽ cố gắng gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc mình.

Thông qua các hoạt động ngoại khóa và tích hợp các môn học đã giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc mình
Thông qua các hoạt động ngoại khóa và tích hợp các môn học đã giúp cho học sinh hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc mình

Đặc biệt, nhà trường thiết lập một không gian sinh hoạt văn hóa dân tộc trong khuôn viên của trường. Một không gian tuy không lớn nhưng ở đó hội tụ nhiều bản sắc văn hóa của các dân tộc khác nhau.

Tại không gian sinh hoạt văn hóa, thường xuyên thiết kế các khẩu hiệu, câu đối đều dùng song ngữ, tiếng Việt - tiếng Mông; tiếng Việt - tiếng Thái cổ và trưng bày các sản phẩm, các vật dụng, trang phục mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, những bộ quần áo dân tộc Mông, Tày, Thái, Mường, Ngái … được thay đổi theo từng tháng. Từ những vật dụng đời thường được trang trí tại không gian sinh hoạt như quả còn, chiếc gối, chiếc khăn thổ cẩm, khèn Mông, khèn Thái, tạo nên sự gần gũi, ấm cúng, thân mật cho các em học sinh như ở chính ngôi nhà của mình.

Cô giáo Phạm Thị Sen, Bí thư Đoàn trường cho biết: Vào các ngày lễ, hội, nhà trường đều tổ chức hội thi, hội diễn truyền thống, trong đó có nhiều hoạt động bổ ích, như: ném còn, cồng chiêng, gói các loại bánh, các trò chơi, trò diễn truyền thống... Tổ chức lễ hội sắc màu dân tộc, hội thi trang phục, trưng bày gian hàng truyền thống.

Việc thường xuyên mặc trang phục dân tộc cũng giúp nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho các em học sinh
Việc thường xuyên mặc trang phục dân tộc cũng giúp nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho các em học sinh

“Nhà trường luôn tạo điều kiện để các em học sinh được thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác thông qua các hoạt động, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc”, cô Phạm Thị Sen cho biết thêm.

Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, các hoạt động của nhà trường, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Qua đó, bồi đắp thêm tình yêu văn hóa dân tộc đối với các em học sinh ở chính môi trường nội trú.