Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Thuận: Giảm nghèo bền vững từ Chương trình MTQG 1719

Minh Thu - 10:47, 22/12/2023

Nhờ triển khai hiệu quả việc hỗ trợ sinh kế, đa dạng hóa mô hình sản xuất từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống của đồng bào DTTS vùng cao của tỉnh Bình Thuận đã được nâng lên rõ rệt.

Với Chương trình MTQG 1719, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh BÌnh Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực
Với Chương trình MTQG 1719, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh BÌnh Thuận đã có nhiều chuyển biến tích cực

Huyện Hàm Thuận Nam là nơi sinh sống của 17 dân tộc, tập trung ở 2 xã vùng cao là Mỹ Thạnh và Hàm Cần. Đời sống của đồng bào DTTS chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.

Trong đó xã Mỹ Thạnh chủ yếu là đồng bào Gia Rai sinh sống, tuy nhiên đời sống còn nhiều khó khăn vì vị trí nằm sâu trong rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét. Bà Hoàng Thị Kha, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, những năm qua chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các dự án giúp đồng bào DTTS có thêm điều kiện để mở rộng, thay đổi sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Là gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Mỹ Thạnh, gia đình anh Hoàng Văn Trọng phải sống trong căn nhà nhỏ bằng nứa xiêu vẹo chẳng đủ che nắng, che mưa. Thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy rất bấp bênh. Được chính quyền địa phương hỗ trợ số tiền hơn 15 triệu đồng mua bò sinh sản và hướng dẫn cả cách chăm sóc, gia đình anh Trọng có thêm động lực để sản xuất, trang trải cuộc sống.

Anh Trọng cho biết, anh rất vui mừng khi được hỗ trợ sinh kế để phát triển chăn nuôi, từng bước ổn định cuộc sống. Con bò hiện chính là tài sản quý giá nhất của gia đình anh.

Hiện tại xã Mỹ Thạnh đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai Chương trình MTQG 1719. Đến nay, Mỹ Thạnh đã kiên cố hóa tuyến đường vào khu sản xuất 41 ha, hỗ trợ cho các hộ nghèo bò sinh sản, xây dựng nhiều hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh… Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở xã Mỹ Thạnh đã có nhiều đổi thay nhờ việc định canh, định cư, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng. Ngoài vụ lúa, bắp hằng năm, chính quyền địa phương động viên bà con dân tộc mở rộng, chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi để có thêm thu nhập.

Vùng trồng bắp lai của đồng bào DTTS ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.
Vùng trồng bắp lai của đồng bào DTTS ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam.

Tương tự, huyện Hàm Thuận Bắc hiện có 13 DTTS sinh sống, chiếm 8% dân số của toàn huyện. Nhờ sự quan tâm, vận động, hỗ trợ của chính quyền, trong đó có nguồn lực hỗ trợ sinh kế từ chương trình MTQG 1719, đồng bào DTTS nơi đây đã chuyển đổi cây trồng, áp dụng các kỹ thuật khoa học vào chăn nuôi để tăng năng suất, thu nhập giúp ổn định cuộc sống.

Người dân sống tại các địa bàn miền núi xa trung tâm của tỉnh Bình Thuận thường thiếu vốn đầu tư, kiến thức chăn nuôi và kỹ năng tiếp cận thông tin còn hạn chế. Đồng bào Cơ Ho nơi đây đã nhiều năm chăn nuôi giống heo cỏ (heo đen) bản địa. Đây là loại gia súc sinh sản nhanh, dễ nuôi và tận dụng được lợi thế tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của người dân vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Tại xã miền núi Đông Giang, La Dạ, Đông Tiến, các hộ DTTS nuôi heo cỏ bản địa được chính quyền xã hỗ trợ tiền giống, tiền thức ăn, tiền tiêm vắc xin phòng bệnh dịch (từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của Chương trình MTQG 1719) và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, các hộ gia đình đều đã thành công với mô hình nuôi heo bản địa. Heo xuất chuồng đến đâu đều có thương lái đến thu mua tại nhà.

Bà K’ Thị Lò, xã Đông Tiến kể, trước đây gia đình bà dã có rất nhiều năm nuôi heo cỏ, tuy nhiên đợt dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn heo của gia đình chết hết. Nay được chính quyền xã hỗ trợ 2 con heo nái sinh sản, thức ăn và được tiêm phòng nên gia đình bà Lò yên tâm hơn rất nhiều. Cán bộ thú y xã còn đến tận nơi tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc nên việc chăn nuôi heo của gia đình bà năng suất hơn hẳn. Nhờ việc chăn nuôi hiệu quả, gia đình bà Lò đã bán được hơn 100 con heo giống cho bà con trong xã.

Ngoài gia đình bà Lò còn có gia đình anh K’ Văn Tính cũng đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi sang nuôi heo cỏ giúp ổn định cuộc sống. Mỗi năm đàn heo nhà anh Tính đẻ 2 lứa, mỗi lứa tầm 6-8 con, anh đem bán cho người dân trong vùng làm giống với giá 700.000 - 800.000 đồng/con. Với những con heo lớn hơn 20kg, anh Tính bán được giá 150.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi heo cỏ ở huyện Hàm Thuận Bắc không chỉ giúp người DTTS ổn định cuộc sống mà còn giúp địa phương không gặp phải tình trạng khan hiếm con giống. Đây sẽ trở thành nguồn thu nhập và phát triển kinh tế chính của nhiều gia đình DTTS nơi đây. Ông K’ Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang cho biết, hiện nay toàn xã có khoảng 90 hộ nuôi heo, nhà nuôi ít khoảng 5 - 6 con, nhà nào nhiều phải hơn 50 con. Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ sinh kế từ chương trình MTQG 1719 để đa dạng các mô hình sản xuất đã giúp bà con vùng cao có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 sẽ là điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS yên tâm làm ăn, sản xuất để thoát nghèo.