Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Tọa đàm nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi

T.Nhân - 21:58, 19/10/2023

Nhằm quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Ngày 19/10, Sở Du lịch Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Theo Sở Du lịch Bình Định, toàn tỉnh có 33 xã, thị trấn miền núi là nơi sinh sống của 39 đồng bào DTTS với hơn 41.000 dân, chiếm hơn 2% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sống tập trung ở 3 huyện miền núi là An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Ngoài ra, huyện Tây Sơn có 3 xã miền núi có đồng bào DTTS, huyện Hoài Ân có 3 xã miền núi có đồng bào DTTS, Phù Cát có 1 xã miền núi có đồng bào DTTS.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển du lịch, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch đã phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh triển khai kế hoạch thực hiện dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Giai đoạn từ 2021 đến 31/7/2023, tỉnh đã mời gọi, thu hút 17 dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 49.747 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 thu hút 9 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 39.540 tỷ đồng, năm 2022 thu hút 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4.918 tỷ đồng; 6 tháng năm 2023 thu hút 3 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.289 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa mời gọi được các nhà đầu tư vào các địa bàn An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn.

Toàn tỉnh có 15 di tích liên quan đến vùng các DTTS được xếp hạng, trong đó có 3 di tích thuộc cấp quốc gia. Tuy nhiên, việc khai thác các tài nguyên để trở thành sản phẩm du lịch vẫn còn hạn chế, với nhiều khó khăn như khoảng cách từ trung tâm Tp. Quy Nhơn đến với các điểm xa, mất nhiều thời gian di chuyển; các dịch vụ du lịch lưu trú và ăn uống vẫn chưa có nhiều.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Theo bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, hiện nay công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các huyện miền núi, nơi có đồng bào DTTS sinh sống hầu hết đều có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, xuất phát điểm kinh tế còn thấp, hạ tầng cơ sở phát triển chậm và thiếu bền vững.

Cùng với đó, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước tuy được tăng cường nhưng trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp nhu cầu thực tế ở cơ sở… Do vậy, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự điều chỉnh kịp thời để công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch đạt kết quả như mong đợi.