Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Thanh niên người Mường khởi nghiệp trên vùng đất khó

T.Nhân-H.Trường - 17:11, 18/12/2024

Vĩnh Sơn là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), với đa phần là đồng bào DTTS sinh sống. Lâu nay, người dân vẫn chủ yếu dựa vào nương rẫy, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống rất khó khăn. Để tạo động lực, lan tỏa tinh thần vươn lên phát triển kinh tế của người dân, chính quyền xã Vĩnh Sơn vận động thanh niên tận dụng ưu thế tại địa phương, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp. Được sự quan tâm của chính quyền, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế và bước đầu đã thành công. Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm hộ gia đình anh Bùi Ngọc Thanh ở làng K2 là một điển hình.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Anh Bùi Ngọc Thanh là người dân tộc Mường, gia đình anh di cư từ phía Bắc vào xã Vĩnh Sơn sinh sống nhưng cũng rất khó khăn. Vì thế, anh Thanh luôn suy nghĩ tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Nhận thấy vùng đất Vĩnh Sơn có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với một số loại nông sản như: dâu tây, măng tây và rau củ quả…, năm 2022, anh Thanh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để khởi nghiệp.

Anh Bùi Ngọc Thanh hướng dẫn cách trồng dâu tây
Anh Bùi Ngọc Thanh hướng dẫn cách trồng dâu tây

Anh Thanh kể lại: Ngày trước, gia đình tôi chỉ trồng cây keo, cây mì nhưng thu nhập không đáng là bao. Với suy nghĩ muốn làm giàu, thì phải thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, năm 2020 trong chuyến đi tham quan các mô hình trồng trọt các loại rau củ ở các tỉnh Tây Nguyên cùng với người thân, sau khi tham quan mình về nhà suy nghĩ và thảo luận với gia đình trồng dâu tây, măng tây và các loại rau củ ngắn ngày và được gia đình ủng hộ.

“Sau chuyến tham quan đó, tôi lên lại Đà Lạt tìm mua giống dâu tây về trồng thử nghiệm trên mảnh đất bỏ hoang sau nhà. Khi mới trồng dâu tây gặp rất nhiều khó khăn vì mình không có kiến thức về cách trồng và chăm sóc loại cây này, cây bị sâu, bệnh vàng lá, năng suất rất thấp khi thu hoạch, nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, vấp ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, tôi quyết tâm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kết hợp học thêm trên mạng rồi áp dụng vào thực tế. Giờ đây, có thể tạm coi là thành công”, anh Thanh trải lòng.

Cũng theo anh Thanh, để cây dâu tây phát triển tốt mình đắp luống cao để cây không úng nước, tạo lớp ngăn cách quả với đất cho sạch; cũng như hạn chế sâu bệnh gây hại quả, sử dụng ni lông phủ bên ngoài gốc cây để đất ẩm, gần tới vụ thu hoạch phải tỉa bớt lá để cây tập trung ra nhiều quả. Cây dâu tây sinh trưởng tốt từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau. Hiện tôi đang trồng khoảng 1ha cây dâu tây, măng tây và các loại rau củ ngắn ngày. Riêng dâu tây được 5.000 gốc, mỗi ngày thu hoạch được 10 – 15kg quả, giá bán tại vườn từ 200 – 250 nghìn đồng/kg. Mỗi khi tới vụ thu hoạch rộ, nhiều người tìm đến vườn tham quan, trải nghiệm.

Nhiều du khách đến tham quan vườn rau của anh Bùi Ngọc Thanh
Nhiều du khách đến tham quan vườn rau của anh Bùi Ngọc Thanh

Nắm bắt được xu hướng phát triển của mô hình du lịch nông nghiệp, cùng với kiến thức đã được học về du lịch và thời gian tham gia làm du lịch cộng đồng ở Gia Lai, anh Bùi Ngọc Thanh đã mở tour du lịch trải nghiệm cho du khách có nhu cầu. Tour du lịch tập trung vào trải nghiệm thiên nhiên Vĩnh Sơn qua các điểm: Thành Tà Kơn, tắm suối Lơ Pin; tìm hiểu quy trình chăm bón, trồng và thu hoạch dâu tây, măng tây.

Anh Thanh chia sẻ: Hiện tại, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch của mình chỉ là quy mô nhỏ theo hộ gia đình. Vì vậy, muốn duy trì lâu dài và phát triển bền vững, tôi mong muốn các ngành chức năng và địa phương cần định hướng quy hoạch, có chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch sẽ góp phần tăng thu nhập cho bà con ở nơi đây. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất trồng cây dâu tây, măng tây, tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ khách hàng.

Mở ra hướng đi mới của xã vùng cao

Anh Thanh còn dự tính dành dụm vốn để sửa sang vườn nhà, xây dựng homestay phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, anh Thanh cũng muốn nhân rộng mô hình của mình để nhiều người làm theo. Ai muốn học hỏi mô hình, anh Thanh luôn sẵn sàng hỗ trợ về cây giống, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế.

Du khách trải nghiệm mô hình trồng dâu tây của anh Bùi Ngọc Thanh
Du khách trải nghiệm mô hình trồng dâu tây của anh Bùi Ngọc Thanh

Vụ dâu Tết năm 2024 vừa rồi, du khách rất thích thú với hoạt động thu hoạch dâu tây tại vườn. Chị Nguyễn Thị Ánh Diệp du khách đến từ Quy Nhơn cho biết: Trong chuyến du Xuân đầu năm vừa qua, gia đình chị có ghé đến Vĩnh Sơn tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. 

"Được tự tay hái và nếm thử hương vị của dâu tây tươi ngon vừa thu hoạch, các cháu nhỏ rất thích thú, đây cũng là lần đầu mấy đứa nhỏ trong gia đình khi tận tay thu hoạch những trái dâu tây tươi ngon, trải nghiệm lần đó rất thú vị, khi về tôi có kể lại cho bạn bè nghe ai cũng hào hứng muốn lên đó cả. Nhất định chúng tôi sẽ ghé lên nữa khi mùa dâu tây đến", chị Ánh Diệp hào hứng nói.

Chia sẻ về mô hình du lịch của gia đình, anh Thanh cho biết: Có ngày, gia đình đón tới 5 đoàn khách du lịch tham quan và hái dâu tây, kết hợp trải nghiệm cảnh quan và ẩm thực dân dã tại địa phương. Nhờ đó gia đình tôi cũng có thu nhập kha khá. Mỗi năm gia đình thu nhập từ tiêu thụ nông sản và tour du lịch khoảng 100 triệu đồng.

Trẻ em thích thú hái dâu và thưởng thức ngay tại vườn
Trẻ em thích thú hái dâu và thưởng thức ngay tại vườn

Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn chia sẻ: Từ thực tế trên cho thấy, mô hình trồng trọt kết hợp du lịch trải nghiệm gia đình của thanh niên Bùi Ngọc Thanh là rất khả thi. Địa phương đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các gia đình khác mạnh dạn đầu tư mô hình trồng các loại cây, hoa quả, nhất là việc trồng dâu tây kết hợp với du lịch trải nghiệm.

“Mô hình mở ra hướng đi mới rất khả quan, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là thanh niên học hỏi, nhân rộng mô hình này và quảng bá để thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho mô hình này phát triển”, ông Đinh Khánh nói.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.