Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Hệ lụy từ trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp

PV - 10:02, 23/08/2019

Những năm gần đây, người dân trong tỉnh Bình Định phát triển mạnh nghề trồng rừng, nhưng điều đáng nói là, nhiều người đã “xé rào”, trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Việc làm này vừa sai mục đích sử dụng đất, vừa để lại nhiều hệ lụy.

Nhiều địa phương vi phạm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.150ha đất nông nghiệp bị biến thành những cánh rừng keo lai, bạch đàn, sao đen, quế, sầu đông. Những địa phương vi phạm nhiều là Phù Mỹ (hơn 2.387ha), Tây Sơn (hơn 1.360ha), Vĩnh Thạnh (hơn 874ha), Vân Canh (hơn 738ha)…

Cụ thể như trên địa bàn huyện Phù Mỹ, trước đây là

đất nông nghiệp được quy hoạch trồng các loại cây như: sắn, ngô, điều, dứa... nhưng nay biến thành những cánh rừng keo lai, keo lá tràm xanh bạt ngàn.

Những diện tích đất trước đây được quy hoạch trồng lúa, trồng hoa màu tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) nay đã biến thành những cánh rừng keo. Những diện tích đất trước đây được quy hoạch trồng lúa, trồng hoa màu tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) nay đã biến thành những cánh rừng keo.

Còn tại huyện Vân Canh, hàng trăm ha đất chạy dọc sông Hà Thanh (từ địa phận xã Canh Vinh đến xã Canh Thuận), trước đây vốn trồng lúa, mì, mía, nhưng nay cũng biến thành rừng keo, bạch đàn. Những xã có đất nông nghiệp bị người dân “quy hoạch” thành đất lâm nghiệp chiếm diện tích lớn là Canh Thuận (254ha), Canh Hòa (100ha), thị trấn Vân Canh (245ha)…

Theo ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Vân Canh có nhiều đặc điểm khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh. Vì không có khả năng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên người dân tự ý chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp sau khi canh tác 2-3 chu kỳ cây mì hoặc cây bắp.

Tình trạng trên cũng diễn ra khá “nóng” tại các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Nhơn… Những cánh rừng keo xanh ngút ngàn nằm xen kẽ, liền kề với các cánh đồng lúa trở nên phổ biến tại hầu hết các địa phương.

Và những hệ lụy

Thực tế cho thấy, nhiều vùng đất sản xuất cây nông nghiệp nhưng người dân tự chuyển đổi sang trồng cây keo, bạch đàn trong thời gian dài đều có biểu hiện khô cằn, nghèo chất dinh dưỡng. Ông Trần Văn Thanh ở xã Canh Hiển (Vân Canh), có ruộng lúa gần đám keo, than vãn: Bên ruộng lúa nhà tôi có hai đám keo được trồng cách đây hơn 3 năm và khi cây lớn, việc canh tác lúa không hiệu quả. Năng suất lúa bị giảm là do tán lá keo, bạch đàn che khuất, làm mất khả năng quang hợp của cây lúa. Đó là chưa kể, lá cây bạch đàn rụng xuống chỗ nào thì đất chỗ đó gần như cằn cỗi.

Không chỉ làm thoái hóa đất, việc trồng cây keo, bạch đàn tràn lan như hiện nay còn đe dọa đến mạch nước ngầm. Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, rễ 2 loại cây này hút lượng nước ngầm khá nhiều. Ngoài ra, việc trồng cây keo, bạch đàn tràn lan còn gây nên hiện tượng đất mất chất dinh dưỡng, khô cằn, bạc màu, ảnh hưởng đến canh tác cây nông nghiệp sau này.

Ông Lê Quang Tình, Phó Trưởng phòng Khuyến nông-Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Định cho biết: Tình trạng tự “quy hoạch”, trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phá vỡ quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.

Trước thực tế này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thống kê cụ thể diện tích, danh sách các hộ trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp, yêu cầu cam kết sau khi khai thác chu kỳ đầu không tái trồng.

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích và phù hợp với các quy hoạch của ngành Nông nghiệp.

LÊ HƯƠNG