Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Biến đổi khí hậu không "kiêng nể" một vùng đất nào

Duy Ly (biên dịch theo CNN) - 20:10, 09/08/2021

Gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) được nhắc đến như một mối đe dọa trong tương lai. Nước biển dâng cao và hạn hán gay gắt, là vấn đề đặt ra với sự phát triển của cả thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang gặp khó khăn vì sự khó đoán của BĐKH và việc các nước vốn chưa từng trải qua thiên tai, nhưng giờ đây phải gánh chịu những hậu quả của BĐKH cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.

Người phụ nữ đang phân loại đồ còn sót lại tại nơi trú ẩn sau trận lũ tại Liege, Bỉ
Người phụ nữ đang phân loại đồ còn sót lại tại nơi trú ẩn sau trận lũ tại Liege, Bỉ

Thiên tai ập đến ngoài dự đoán

Vừa qua, lũ lụt ở Đức, đã nhấn chìm các con đường và nuốt chửng những ngôi nhà đã tồn tại hơn một thế kỷ ở ngôi làng Schuld vốn yên bình. Một thị trấn nhỏ với khoảng 250 hộ gia đình của Canada - được biết đến với không khí mát mẻ, đã bị thiêu rụi trong trận cháy rừng với sức nóng chưa từng có.

Và ở miền Tây nước Mỹ, chỉ vài tuần sau đợt nắng nóng lịch sử, khoảng 20.000 lính cứu hỏa và nhân viên đã được triển khai để dập tắt 80 đám cháy tại đây. Các hành khách đi tàu điện ngầm ở Trung Quốc, kinh hoàng đứng trong làn nước ngập đến ngực khi lượng mưa kỷ lục, tương đương lượng nước trong 1 năm đổ xuống chỉ trong 3 ngày…

Phần lớn điều này đã được dự đoán. Các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều năm rằng, khí hậu ấm lên sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt hơn. Nhiều chuyên gia đang bày tỏ sự ngạc nhiên khi các kỷ lục về nhiệt độ và lượng mưa liên tục bị phá vỡ.

Tuy nhiên, tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện này, làm dấy lên những câu hỏi đáng lo ngại: liệu chúng ta có thể đang bước vào một thời kỳ BĐKH phi tuyến tính, nơi nhiệt độ và các hiện tượng cực đoan không tăng một cách suôn sẻ như mong đợi mà thay vào đó đến đột ngột, thường xuyên hơn và có lẽ mạnh mẽ hơn? Và làm sao chúng ta biết được?

Người dân bật khóc trước sự tàn phá nhanh chóng của lũ lụt tại Altenahr, Đức
Người dân bật khóc trước sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt tại Altenahr, Đức

Thách thức với giới khoa học

Kể từ những năm 1970, các nhà khoa học đã dự đoán mức độ ấm lên của quả đất một cách khá chính xác. Tuy nhiên, hiện nay các “mô hình biến đổi khí hậu” đang dần khó dự đoán đúng được tác động mạnh mẽ của biến đổi thời tiết, ngay cả khi các thiết bị nghiên cứu ngày càng hiện đại.

Michael E. Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hệ thống Trái đất tại Đại học Bang Pennsylvania, Mỹ đã chỉ ra hạn chế của các mô hình BĐKH, Mann nói: “Sự kiện vòm nhiệt gần đây ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, là sự kiện mà các mô hình khí hậu không nắm bắt được.Các mô hình này đang đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng của BĐKH đối và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”.

Mann giải thích thêm, trong các “Mô hình khí hậu”, thời tiết hàng ngày giống như là sự nhiễu loạn. Chỉ những sự kiện thời tiết khắc nghiệt nhất mới nổi lên như một tín hiệu rõ ràng. Tín hiệu (thế giới thực) hiện đủ lớn để chúng ta có thể “nhìn thấy” nó trong thời tiết hàng ngày, mặc dù vậy các mô hình khí hậu lại không nhận thấy tín hiệu đến.

Điều đó có nghĩa là, các sự kiện vừa qua như lũ lụt ở Đức hoặc cháy rừng ở Canada đã không được ghi nhận. Các nhà khoa học cho biết, để có thể làm được điều này, chúng ta cần những mô hình khí hậu mạnh mẽ hơn nữa.

Tim Palmer, Giáo sư nghiên cứu về Vật lý Khí quyển tại Đại học Oxford, là một trong số các nhà khoa học, đã kêu gọi một trung tâm toàn cầu về mô hình có thể chứa một siêu máy tính “exascale” - một cỗ máy có thể xử lý lượng dữ liệu đáng kinh ngạc.

Các nhà khoa học sử dụng mô phỏng máy tính về các sự kiện thời tiết, để đưa ra dự đoán. Nhưng họ vẫn không thể phóng to đủ (ở mức thành phố) để dự đoán những sự kiện khắc nghiệt nhất. Dù công nghệ đang rất tiến bộ, nhưng máy tính vẫn chưa đủ tinh vi để hoạt động ở độ phân giải cao như vậy.

Thúc đẩy hành động

Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ hai từ phải sang) và Thủ hiến bang Rhineland-Palatinate Malu Dreyer (ngoài cùng bên phải) nói chuyện với người dân trong chuyến thăm đến Schuld vào ngày 18/7 sau khi trận lũ lụt xảy ra
Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ hai từ phải sang) và Thủ hiến bang Rhineland-Palatinate Malu Dreyer (ngoài cùng bên phải) nói chuyện với người dân trong chuyến thăm đến Schuld vào ngày 18/7 sau khi trận lũ lụt xảy ra

Ngay cả khi không có mô hình chi tiết này, các nhà hoạt động khí hậu và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, vẫn luôn không ngừng kêu gọi hành động nhiều hơn để ứng phó với BĐKH. Vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng: “Chúng ta phải gấp rút hơn, phải nhanh hơn trong cuộc chiến chống BĐKH”.

Năm nay, một số nước phát triển, bao gồm cả Mỹ, đã tăng đáng kể các cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Liên minh châu Âu tuần trước đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đặt “khí hậu” vào trung tâm của mọi sáng kiến ​​phát triển và kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nói rằng, những cam kết của họ vẫn thiếu hành động cần thiết để giảm nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 1,5oC, điều mà Ủy ban Quốc tế về BĐKH cho rằng, cần thiết để tránh những tác động thảm khốc hơn của BĐKH. Họ cũng chỉ trích các chính phủ đưa ra những cam kết đầy tham vọng, trong khi vẫn tiếp tục phê duyệt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, bao gồm các mỏ than và các cơ sở dầu khí.

Merritt Turetsky, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Alpine hy vọng rằng, những hiện tượng thời tiết này ở các nước phát triển sẽ kích thích hành động.

“Có thể đây là một điều ác cần thiết”, Turetsky nói. “Chúng tôi biết có một sự bất đồng về nhận thức khi BĐKH đang tác động đến những người ở rất xa bạn và những thứ bạn biết. Chúng ta có xu hướng bỏ ngoài tai, bởi vì đây là những gì họ nói, nhưng ta lại không trực tiếp đối diện. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang ở thời điểm mà mọi người trên hành tinh này đều đã cảm nhận được tác động của BĐKH. Không chỉ là những người ở vùng nhiệt đới, nơi thiên tai triền miên nữa, mà giờ đây chắc chắn là cảm giác của những cư dân ở Schuld của Đức – nơi vốn vô cùng yên bình”.