Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông thôn mới

Bếp lửa của người Bru Vân Kiều

Đức Việt - 14:55, 24/11/2020

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, đối với đồng bào Bru Vân Kiều ở vùng cao Quảng Trị, bếp lửa có vai trò, vị trí quan trọng trong cuộc sống tự ngàn đời nay. Bếp lửa vừa là nơi đun nấu, bảo quản lương thực vừa là nơi thờ thần bếp nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong sự may mắn, ấm no đủ đầy. Bởi vậy, họ luôn hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí giữa đại ngàn với tất cả niềm tôn kính.

Bếp lửa gắn liền với cuộc sống của người dân tộc Bru Vân Kiều từ ngàn đời nay
Bếp lửa gắn liền với cuộc sống của người dân tộc Bru Vân Kiều từ ngàn đời nay

Dù cuộc sống mới ngày nay đã hiện diện ngày càng nhiều thiết bị phục vụ nấu nướng hiện đại như bếp ga, bếp điện nhưng ở các bản làng miền Tây Hướng Hóa (Quảng Trị), bếp lửa truyền thống vẫn được bà con dân bản sử dụng như tự bao đời. 

Gia đình ông Hồ Ăm Ri ở xã Húc bao đời nay vẫn dùng bếp lửa truyền thống của dân tộc mình. Ông Ăm Ri cho biết, khác với người miền xuôi thường đặt bếp ở nhà sau, bếp của dân tộc Bru Vân Kiều được đặt ngay giữa nhà sàn để mọi thành viên trong gia đình đều có thể ngồi quanh bếp. Từ các dịp lễ, tết cho đến sinh hoạt hằng ngày, từ mái nhà chính của gia đình cho đến các chòi canh chim phá lúa trên nương... đều không thể thiếu chiếc bếp lửa. Ngồi bên bếp lửa không chỉ là cách để chống chọi, xua đi cái lạnh vùng cao mà bếp còn là “vũ khí” giúp người dân tránh “ma rừng” và thú dữ. 

“Trước đây khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc, nếu không có bếp lửa thì làm sao dân bản mình vượt qua được mùa Đông giá buốt ở vùng núi này. Ăn cơm cũng ngồi quanh bếp, lễ hội gì cũng quây quần bên ngọn lửa… Khi bếp lửa đỏ thì "con ma rừng" và thú dữ cũng không dám vào nhà, gia đình mới yên ổn làm ăn. Bếp lửa với đồng bào mình có thể xem như là vật thiêng”, ông Hồ Ăm Ri nói. 

Bếp của người Bru Vân Kiều được khoanh theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn. Song song với khung bếp cách mặt sàn khoảng 80cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi dây mây bốn góc, trên giàn đặt một cái nia để lưu giữ lương thực, thực phẩm cần sấy khô… Trên cùng là giàn khói dùng treo những trái bầu khô, trái bắp giống, lúa giống và các vật dụng đan lát cần được hong khói để tăng thêm màu đen bóng và làm cho vật dụng được bền chắc hơn.

Đối với đồng bào Bru Vân Kiều, bếp lửa không đơn thuần là nơi để nấu nướng, để sưởi ấm, mà còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Buổi chiều, sau những bữa cơm gia đình, mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui, khó nhọc trong cuộc sống. Tất cả thể hiện sự ấm cúng, niềm hạnh phúc của mỗi gia đình.

Cời ngọn lửa ấm áp, anh Hồ Văn Xuân, xã Húc lý giải: “Nhà tôi luôn giữ bếp lửa cháy trong gia đình vì lửa cháy sáng là điềm lành, làm ăn mới được mùa, gia đình an vui sung túc, người già thêm tuổi, con trai khỏe đôi tay, con gái khỏe đôi vai, trẻ con mau lớn”. 

Với những người vùng cao như ông Hồ Ăm Ri, anh Xuân và bà con dân bản, chiếc bếp lửa đã hiện diện trong đời sống một cách mặc nhiên từ khi ra đời đến lúc khuất núi. Cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ nhưng với đồng bào Bru Vân Kiều, bếp lửa luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Đó chính là những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt của các cư dân sinh sống nơi núi rừng hoang dã.  

Tin cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh: Tạo “bệ đỡ” cho sản phẩm du lịch xanh

Với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo Nông thôn mới (NTM) tỉnh Trà Vinh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng lộ trình để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Là cơ quan tham mưu, chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch trình Ban Chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã linh hoạt chọn ưu thế, tiềm năng về nông nghiệp để phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.