Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp: Báo động tình trạng chuyển nhượng trái phép (Bài 2)

Khánh Ngân - 11:24, 28/04/2022

Theo thống kê, ở Nghệ An có trên 10.038 ha đất lâm nghiệp đã bị chuyển nhượng, mua bán trái quy định. Tình trạng này xuất hiện trên nhiều huyện miền núi với tính chất phức tạp và khó giải quyết.

Do đã bán đất rừng được giao, nhiều lao động người đồng bào DTTS trở thành người bóc vỏ, vác gỗ keo cho những doanh nghiệp có nhiều đất rừng sản xuất
Do đã bán đất rừng được giao, nhiều lao động người đồng bào DTTS trở thành người bóc vỏ, vác gỗ keo cho những doanh nghiệp có nhiều đất rừng sản xuất

Những con số báo động 

Tình trạng chuyển nhượng trái phép đất rừng được giao cho các hộ gia đình theo Nghị định 02 và Nghị định 163 ở Nghệ An đã đến mức báo động. Trong đó, đặc biệt “nóng” ở các địa phương như huyện Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông...

Điển hình ở huyện Quỳ Châu, tình trạng mua bán, chuyển nhượng "chui", chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng được phát hiện ở các bản: Pà Cọ, Kẻ Nính, Định Tiến, Tà Cọ của xã Châu Hạnh.

Tại các bản này, có hàng chục hộ dân đã bán, chuyển nhượng đất rừng của Nhà nước giao theo Nghị định 163. Chỉ riêng bản Kẻ Nính và bản Pà Cọ, lực lượng chức năng xác định có khoảng 70 hộ dân chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho Công ty cổ phần Nghệ An Xanh.

Ngay sau khi phát hiện ra tình trạng trên, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh cụ thể. Qua đó, phát hiện 11/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có tình trạng mua bán, chuyển nhượng và chuyển đổi trái phép đất rừng. Với 510 hộ dân đã chuyển nhượng, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã bị chuyển nhượng trái phép lên đến 3.433ha.

Không chỉ ở Quỳ Châu, dọc tuyến Quốc lộ 7A đoạn đi qua địa phận huyện Con Cuông, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng và chuyển nhượng đất rừng trái phép, được đánh giá là hết sức phức tạp.

Xã Đôn Phục (Con Cuông) có 8.786,2 ha đất lâm nghiệp và đất rừng. Trong đó, 3.969,9ha đã được giao cho dân và cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo Nghị định 163. Thế nhưng, đã có đến 36 hộ dân chuyển nhượng trái phép đất rừng cho nhiều người ở trong và ngoài huyện, với diện tích lên đến trên 300 ha.

Ở xã Bình Chuẩn, lực lượng chức năng thống kê có đến 85 hộ dân chuyển nhượng trái phép 1.100,5 ha đất rừng; xã Thạch Ngàn có 59 hộ chuyển nhượng chui 629,9 ha rừng; xã Môn Sơn 133,5ha/25 hộ; Lục Dạ 148,9ha/32 hộ...

Đa phần những thương vụ chuyển nhượng hoặc dùng mỹ từ “thuê quyền sử dụng đất”, hợp tác đầu tư… nhằm mục đích lách luật để biến đất lâm nghiệp được giao thành hàng hóa mua bán.

Các giao kèo giữa người có đất rừng và người mua đều được thực hiện chui. Do đó, trên thực tế, số hộ và số diện tích đất chuyển nhượng trái phép này, có thể cao hơn rất nhiều so với số liệu đã thống kê.

Đau lòng hơn, đồng bào lại bán đi “cần câu cơm” của mình, với một cái giá quá rẻ mạt. Mỗi 1 ha đất lâm nghiệp được giao, đồng bào đã bán với giá giao động từ 350.000 đồng đến 1.600.000 đồng.

Có lẽ chính quyền địa phương, những người trực tiếp “làm ra” Nghị định 02 và Nghị định 163 không thể ngờ tới. Và đó, chắc chắn không phải là mục đích của chủ trương giao đất, giao rừng theo Nghị định của chính phủ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nghệ An có trên 10.038 ha đất lâm nghiệp đã bị chuyển nhượng, mua bán trái quy định
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nghệ An có trên 10.038 ha đất lâm nghiệp đã bị chuyển nhượng, mua bán trái quy định

Khó kiểm soát, thiếu chế tài xử lý

Trước tình trạng bán đất lâm nghiệp được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163, trên địa bàn các huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An thời gian qua, chính quyền địa phương các huyện đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Huyện Quỳ Châu đã ban hành văn bản gửi đến các xã, thị trấn; Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào các DTTS để đồng bào có nhận thức đầy đủ về giá trị của đất rừng, cũng như nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, việc điều tra, rà soát, xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ dân đã mua bán, chuyển nhượng “chui” nên che giấu, không tự giác phối hợp với cơ quan chức năng. Một số hộ không nhận đã bán, chuyển nhượng mà chỉ nhận là “phối hợp” làm kinh tế rừng, cầm, cố… cho các đối tượng “đầu nậu” ôm đất rừng.

Trong khi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nghiêm cấm tất cả các hành vi chặt, phá, khai thác, đốt, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng rừng trái pháp luật… thì Luật Đất đai lại cho phép chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất. Chính điều này gây ra không ít khó khăn cho chính quyền địa phương, khi phát hiện và xử lý tình trạng chuyển nhượng đất rừng trái phép.

Ngoài 2 luật quy định chồng chéo nói trên, hiện chưa có một quy định, chế tài cụ thể nào để xử lý dứt điểm tình trạng chuyển nhượng đất rừng, đã được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163 của Chính phủ.

Thực tế, diện tích đất rừng chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có thể cao hơn so với số liệu đã thống kê. Do đó, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương và chủ rừng tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn. Như thống kê, rà soát chính xác về số hộ, cá nhân, tổ chức đã chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất rừng. Xác định cụ thể hiện trạng diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng đã giao cho bà con. Từ đó, xem xét, đánh giá lại việc giao đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất. Đồng thời, quy hoạch thêm và giao cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân, hộ đồng bào DTTS có đất  sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình nhận thức đúng về đất rừng được giao để phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình. 

Đồng thời, phải có giải pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng chuyển nhượng, sử dụng sai mục đích, sử dụng không hiệu quả đất, rừng được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163 của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý không để phát sinh các trường hợp tranh chấp, đầu cơ đất rừng.

Bài 3: Đất rừng lại “rơi” vào tay doanh nghiệp