Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu ma-gang ở vùng núi Quảng Ngãi

Nguyễn Trang - 15:46, 30/03/2021

Từ năm 2018 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, Viện Sinh học Nhiệt đới cùng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu ma-gang (loại cây dược liệu họ gừng, cách gọi khác là gừng gió) trong vùng đồng bào dân tộc và ngành Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi, từ đó làm cơ sở quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững loại cây này.

Cây ma-gang được người Co huyện Trà Bồng trồng gần nhà để sử dụng khi ốm đau.
Cây ma-gang được người Co huyện Trà Bồng trồng gần nhà để sử dụng khi ốm đau.

Miền núi tỉnh Quảng Ngãi là nơi có nhiều loại cây dược liệu quý, có giá trị y học và giá trị kinh tế, song chưa được bảo tồn và phát triển nên nhiều nguồn nguyên liệu có nguy cơ cạn kiệt. Từ xa xưa, người dân tại các vùng miền núi thường sử dụng loại cây ma-gang để chữa bệnh. Có nhiều loại như ma-gang đỏ, ma-gang đen, ma-gang tím thuộc họ gừng và còn có tên gọi khác là gừng gió.

Ma-gang là một trong những phương thuốc thuộc nhóm tài nguyên thực vật có giá trị, tuy nhiên lại chưa có một chương trình điều tra, đánh giá nguồn gốc cây thuốc ma-gang cũng như trữ lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Sâm và Dược liệu (Viện Sinh học nhiệt đới) tại 6 huyện miền núi gồm Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà (cũ) và Trà Bồng, đã xác định được 46 taxa (một đơn vị phân loại) ma-gang trong 7 chi và 3 họ thực vật. Nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 80% các loài ma-gang được trồng ở vườn nhà, khoảng 20% các loài còn lại là các loài trong tự nhiên và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân địa phương.

Củ ma gang có màu vàng như củ nghệ
Củ ma gang có màu vàng như củ nghệ

Các nhà khoa học đã tập trung khảo sát, điều tra hiện trạng và giá trị nguồn dược liệu này trong suốt hơn 4 năm (từ năm 2018-2021) tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó ghi nhận tại núi Cà Đam (huyện Trà Bồng, cho thấy có 7 loài ma-gang thuộc 5 chi trong 2 họ thực vật gồm họ gừng và họ râu hùm trong đó họ gừng có 5 loài thuộc các chi: nghệ, gừng đen, ngãi tiên và gừng.

Tại huyện Trà Bồng, ma-gang phân bố rộng và khá liên tục trong tự nhiên từ độ cao 600m-1.400m, mọc dưới sườn dốc, tán rừng, sườn núi ẩm hay ven suối. Rừng Cà Đam là nơi phù hợp để xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển một số loài ma-gang quý hiếm, có giá trị kinh tế và tiềm năng. Trong khi đó, tại huyện Sơn Tây, các nhà khoa học, nghiên cứu đã đi thực địa tại rừng phòng hộ Azin, một trong những khu rừng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, cũng là nơi phù hợp để xây dựng mô hình.

Viện Sinh học Nhiệt đới đã điều tra giá trị sử dụng các loài ma-gang trong cộng đồng các dân tộc H’rê, Cor, Ca Dong và nhận thấy, cây ma-gang được người dân sử dụng rộng rãi để làm thuốc trị rắn cắn, thần kinh, ung bướu, ho cảm sốt, bệnh ngoài da, tim mạch, đường ruột, dạ dày, tiêu hóa, bồi dưỡng sức khỏe… Người dân địa phương dùng củ và rễ cắt lát mỏng, ngâm rượu hay phơi khô nghiền thành bột trộn với mật ong, sử dụng tốt cho tiêu hóa, điều trị dạ dày, gan…

Các nhà khoa học đang tiến hành khảo sát hoạt tính, thí nghiệm để làm tiền đề cho những nghiên cứu ứng dụng phát triển sản phẩm từ dược liệu. Từ đó mở rộng điều tra, thu nhập mẫu vật và các loại ma-gang chưa được định danh, tiến tới vận động người dân bảo tồn, nhân giống, trồng đại trà, trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...