Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống: Chuyển giao “chìa khóa” cho thế hệ trẻ

PV - 09:24, 23/01/2018

Để kịp thời bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các DTTS dưới 5.000 người, từ năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai mở lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc Lô Lô (Cao Bằng), Bố Y (Lào Cai), Chứt (Quảng Bình), Si La (Lai Châu), La Ha (Sơn La).

Một điệu múa truyền thống của dân tộc Lô Lô. Một điệu múa truyền thống của dân tộc Lô Lô.

 

Cách đây 4 năm, để phục vụ việc ngăn sông Đà xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu, đồng bào Si La sống dưới lòng hồ đã di chuyển về nơi ở mới theo dự án di dân tái định cư. Chuyển đến khu tái định cư mới gần trung tâm xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu việc đi lại cùa bà con dân tộc Si La được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, do không gian văn hóa sinh tồn của đồng bào bị thay đổi, dẫn tới nguy cơ mai một nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Các lễ cúng bản, lễ cúng cơm mới, lễ cúng hồn lúa… không còn được đồng bào tổ chức thường xuyên như trước đây. Các làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa truyền thống dần dần bị mai một.

Lo lắng trước nguy cơ mai một những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong 3 năm qua, các nghệ nhân Hù Chà Khao, Hù Cố Xuân ở bản Seo Hai đã tranh thủ các buổi tối kiên trì truyền dạy hát, dạy các điệu múa cổ truyền cho đội văn nghệ của bản và của xã.

Các học viên dân tộc Si La xã Kan Hồ đang thực hành các điệu múa cổ truyền của dân tộc. Các học viên dân tộc Si La xã Kan Hồ đang thực hành các điệu múa cổ truyền của dân tộc.

 

Nghệ nhân Hù Cố Xuân cho biết: “Trước đây, người Si La thường dùng lời ca, tiếng hát để gửi gắm cảm xúc của mình. Khi các cháu thêm tuổi hoặc dựng vợ gả chồng đều được người lớn hát mừng. Trong tình yêu đôi lứa, trai gái muốn tìm hiểu nhau thì trao cho nhau câu hát giao duyên. Trong đám tang, người Si La hát thay tiếng khóc tiễn đưa người quá cố. Khi lên nương hay xuống suối thì hát để bộc lộ tâm tư, tình cảm. Vào dịp lễ, tết thì dân bản tổ chức múa hát vui vẻ. Đi cùng với những bài dân ca, dân vũ là các loại nhạc cụ sáo trúc, đàn, lạc…” .

Năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí từ Đề án hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc dưới 5.000 người, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp với Vụ Dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) tổ chức một lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho các cháu thế hệ trẻ dân tộc Si La. Nghệ nhân Hù Cố Xuân và Hù Cố Chối, cán bộ văn hóa xã Kan Hồ được mời làm “giảng viên” của lớp học.

Sau gần một tuần được truyền dạy, hơn 20 học viên người Si La ở hai bản Seo Hai và Sì Thao Chải tham gia lớp học đều say sưa, thích thú. Em Pờ Cố Bề, bản Seo Hai chia sẻ: “Được học các làn điệu dân ca, những điệu múa cổ truyền và giải thích ý nghĩa, bối cảnh thể hiện những bài hát, điệu múa của người Si La, em cảm thấy rất vui. Từ những buổi học hát, em hiểu thêm về ý nghĩa của từng bài hát, điệu múa, từ đó biết yêu quý hơn những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Một buổi học hát sình ca của Đội Văn nghệ Sình Ca Cao Lan thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên, Tuyên Quang). Ảnh Giang Lam Một buổi học hát sình ca của Đội Văn nghệ Sình Ca Cao Lan thôn 8, Hợp Hòa, xã Bằng Cốc (Hàm Yên, Tuyên Quang). Ảnh Giang Lam

 

Cũng nằm trong Đề án bảo tồn văn hóa, tại huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), một lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Lô Lô cũng vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức vào cuối năm 2017. Bảy nghệ nhân người Lô Lô (đều ở xã Hồng Trị) được mời truyền dạy cho lớp học với 100 học viên dân tộc Lô Lô tham gia trong thời gian một tuần.

Nghệ nhân Chung Văn Sấn, xóm Khau Cà, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc là một trong 7 “giáo viên” đứng lớp tự hào chia sẻ: “Được lên lớp truyền dạy cho cộng đồng dân tộc mình thấy được những nét đẹp của văn hóa dân tộc, tôi cảm thấy rất vui. Từ lớp học này, các cháu thấy được những nét văn hóa đặc sắc, giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Lô Lô, từ đó biết trân trọng và có ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống cha ông đã để lại”.

Việc truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể nhằm tiếp tục sưu tầm, khôi phục và gìn giữ, bảo tồn giá trị nhân văn trong nghi lễ tín ngưỡng, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc rất ít người. Ðây là những mô hình thí điểm để đạt hiệu quả sẽ nhân rộng đến các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

NGỌC ÁNH