Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn bền vững di sản văn hóa các DTTS vùng Trường Sơn- Tây Nguyên: Những tinh hoa di sản (Bài 1)

Tấn Vịnh (Trường ĐH Đông Á) - 06:24, 08/10/2022

Đất nước Việt Nam có nhiều vùng và tiểu vùng văn hóa khác nhau, trong đó tiêu biểu là tiểu vùng văn hóa Trường Sơn. Các DTTS sinh sống lâu đời trên dọc dải Trường Sơn thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, Ngữ hệ Nam Á với nhiều thành phần dân tộc như: Cơ Tu, Tà Ôi, Bru - Vân Kiều, Xơ đăng, Gié Triêng, Cor, Hrê, Chăm Hroi... Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các dân tộc nơi đây đã tạo ra một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa tộc người.

Lễ hội mừng mùa của dân tộc Cơ Tu (Ảnh Tấn Vịnh)
Lễ hội mừng mùa của dân tộc Cơ Tu (Ảnh Tấn Vịnh)

Các DTTS sinh sống ở phía tây các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... vẫn còn bảo lưu nhiều giá trị di sản văn hóa thể hiện bản sắc đặc trưng của dân tộc mình. Về văn hóa vật thể, nổi bật nhất là các loại hình kiến trúc nhà ở, nhà làng truyền thống, nhà mồ, kho lúa và các công cụ sản xuất, vật dụng, đồ dùng sinh hoạt. Trong đó, nhà làng truyền thống là di sản văn hóa vật thể tiêu biểu nhất. Đây được xem như một “ngôi trường” truyền dạy những kinh nghiệm trong sản xuất, sinh hoạt, ứng xử giao tiếp giữa cón người với con người, con người với tự nhiên...

Nhà làng thực sự là một bảo tàng nghệ thuật tạo hình dân gian với nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ với nhiều chủ đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không những mang biểu tượng của vẻ đẹp kiến trúc mà còn biểu tượng của sự nâng đỡ, tương tác, kết nối với nhau, thể hiện rõ tinh thần cố kết cộng đồng.

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở vùng núi Trường Sơn cũng rất đa dạng, phong phú với nhiều loại hình như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, văn học truyền miệng, nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công...

Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghề thủ công đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Đồng bào đã làm ra những vật dụng phục vụ cuộc sống như gùi, nong nia, dần sàng, công cụ đánh bắt và vải vóc để làm trang phục, đảm bảo nhu cầu ăn mặc và thể hiện bản sắc dân tộc.

Nhờ bảo lưu, giữ gìn nghề dệt nên đồng bào Cơ Tu là dân tộc sở hữu bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh, phong phú với nhiều loại hình như váy, áo, khố, tấm choàng, mũ, dây buộc tóc và thắt ngực..., hoa văn và màu sắc khá nổi bật so với các dân tộc ở núi rừng Trường Sơn. Sản phẩm dệt của đồng bào Cơ Tu không chỉ có giá trị vật chất, là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, là cốt cách, sắc thái riêng của dân tộc.

Phụ nữ Cơ Tu làng Công Dồn xã Zuôich, huyện Nam Giang (Quảng Nam) phơi bông để dệt thổ cẩm (Ảnh Tấn Vịnh)
Phụ nữ Cơ Tu làng Công Dồn, xã Zuôich, huyện Nam Giang (Quảng Nam) phơi bông để dệt thổ cẩm (Ảnh Tấn Vịnh)

Bên cạnh đó, các dân tộc ở vùng Trường Sơn có nhiều lễ hội truyền thống liên quan đến vòng đời người hoặc lễ nghi nông nghiệp như lễ ăn mừng lúa mới, lễ Ngã rạ; lễ hội cộng đồng như mừng nhà gươl mới, lễ kết nghĩa ăn thề, lễ cúng máng nước, lễ tạ ơn rừng... Các lễ hội lớn đều quy tụ các loại hình diễn xướng dân gian, tiêu biểu như múa điệu tân tung dă dá của dân tộc Cơ Tu, múa ka đấu, đấu chiêng đôi của dân tộc Cor, thổi đing tút của dân tộc Gié Triêng, trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na và người Chăm Hroi... Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hoá, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan toả trở lại cộng đồng.

Trong văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên, đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn đã tích lũy nhiều tri thức bản địa quý báu về canh tác nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nguồn lợi từ đất đai, núi rừng, sông suối để có nguồn lương thực, thực phẩm bảo đảm cuộc sống. Cách khai thác, bảo quản, chế biến những món ăn thức uống, tổ chức ăn uống trong từng gia đình và cộng đồng cũng thể hiện rõ bản sắc văn hóa tộc người.

Ẩm thực không những phục vụ nhu cầu của cá nhân, cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày, các lễ hội truyền thống mà còn trở thành đặc sản ẩm thực dân tộc mang đậm hương vị núi rừng. Một số nguồn nguyên liệu từ núi non như gạo rẫy nếp nương, chuối rừng, bầu bí, rau rừng; những món ăn, thức uống của đồng bào như cơm lam, rượu tà vạt, cá suối, thịt gác bếp… được đưa vào thực đơn tại các điểm du lịch cộng đồng cũng như các siêu thị, nhà hàng, quán ăn ở phố thị vùng cao và đồng bằng. Nguồn sống, sản vật từ núi rừng chẳng những đáp ứng nhu cầu ăn mặc cho đồng bào mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa, bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, được sự ưa chuộng của người tiêu dùng.

Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nói trên đã tạo ra sức sống, sự phong phú, đa dạng và nét độc đáo của các dân tộc. 

Múa ka đấu của dân tộc Cor (Ảnh Tấn Vịnh)
Múa ka đấu của dân tộc Cor (Ảnh Tấn Vịnh)

Cho đến nay, một số loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghề dệt thổ cẩm, vũ điệu tân tung da dá, nghệ thuật nói lý-hát lý. Nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật biểu diễn trống chiêng, điển hình như trống đôi, cồng ba, chiêng năm đặc sắc của người Chăm Hroi cũng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Loại hình nghệ diễn xướng cồng chiêng tiểu vùng Trường Sơn cũng tương đồng, có sự giao lưu, ảnh hưởng với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa truyền khẩu của nhân loại.