Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Cánh đồng tiện ích” cơ hội chuyển đổi sinh kế cho đồng bào vùng DTTS

PV - 10:31, 26/07/2019

Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả để triển khai “Cánh đồng tiện ích” với quy mô nhỏ từ 20ha đến 50ha để trồng cỏ, chăn nuôi bò và phát triển du lịch sinh thái sẽ là hướng đi phù hợp với đồng bào ở vùng DTTS, miền núi Việt Nam. Việc chuyển đổi sinh kế theo hướng đi này sẽ giúp đồng bào vùng DTTS, miền núi tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày hè tháng 7, chúng tôi theo chân Đoàn cán bộ gồm đại diện cán bộ Ủy ban Dân tộc, các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam và Liên đoàn kiểm tra Sữa Holstein Hàn Quốc đi khảo sát thực tế tại xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ để đánh giá tiềm năng triển khai “Cánh đồng tiện ích” tại vùng DTTS, miền núi của Việt Nam.

Qua khảo sát, các chuyên gia đánh giá, nhiều vùng DTTS, miền núi của Việt Nam với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp để triển khai “Cánh đồng tiện ích”. “Cánh đồng tiện ích” sẽ tận dụng quỹ đất nhỏ có sẵn trong dân, phát triển mô hình chuỗi gia công chăn nuôi khép kín trên cơ sở nông hộ, tận dụng nguồn nhân lực lao động nông thôn, góp phần cải tạo và thay đổi tập quán chăn nuôi cũ của người dân… Cùng với đó, nếu phát triển du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng triển khai “Cánh đồng tiện ích” tại vùng DTTS, miền núi của Việt Nam. Chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng triển khai “Cánh đồng tiện ích” tại vùng DTTS, miền núi của Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch UBND xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Hiện nay, việc canh tác ruộng đất của người dân địa phương vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ trong dân, hiệu quả kinh tế thấp. Nếu chuyển đổi sinh kế, giúp người dân được hưởng lợi, tăng thu nhập cho họ là điều rất tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nông sản Thực phẩm Trí Việt (chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp), để triển khai “Cánh đồng tiện ích”, phải có quỹ đất với thời gian sử dụng đất ổn định lâu dài; có nguồn nước tưới ổn định, quanh năm; có tầng phủ canh tác ít nhất dày 50cm; không ngập úng, dễ tiêu thoát nước; có thể cơ giới hóa việc canh tác, chế biến sau thu hoạch…

Qua thực tế đang triển khai mô hình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ông Trí tạm tính, trồng cỏ đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha/tháng, mỗi năm thu hoạch bình quân tăng từ 8 lần-10 lần. Năng suất bình quân tính theo năm là 300 tấn/ha/năm. Nếu đất tốt và chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt bình quân trên 500 tấn/ha/năm. Khi ổn định, “Cánh đồng tiện ích” có quy mô 20ha thì hiệu quả sẽ khoảng trên 13 tỷ đồng/năm… Theo thống kê cho thấy, tổng đàn bò sữa của Việt Nam hiện nay trên 294 nghìn con. Bò sữa chủ yếu được nuôi gia công trong dân. Mức tiêu thụ sữa bình quân của người Việt hiện nay là 17 lít/người/năm. Ước tính, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước đến năm 2025 đạt 1,4 tỷ lít/năm. Để đáp ứng nhu cầu sữa trong nước, Việt Nam phải phát triển đàn bò sữa lên gấp 4 lần so với đàn bò sữa hiện nay. Do đó, việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang làm “Cánh đồng tiện ích” sẽ là hướng đi phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào vùng DTTS, miền núi của Việt Nam.

Đại diện phía Liên đoàn kiểm tra Sữa Holstein Hàn Quốc, ông Chu Lee cho biết: Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế, tiềm năng để triển khai mô hình “Cánh đồng tiện ích”, vừa trồng cỏ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi bò sữa trong nước, vừa xuất khẩu. Phía Liên đoàn kiểm tra sữa Holstein Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với các địa phương vùng DTTS, miền núi của Việt Nam để triển khai mô hình. Hỗ trợ nông dân Việt Nam kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, tạo sinh kế bền vững hơn cho đồng bào DTTS của Việt Nam.

Theo nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thì, sự thành công của ngành chăn nuôi bò sữa phụ thuộc rất lớn vào đồng cỏ. Đây là thời điểm rất thích hợp để người dân vùng DTTS, miền núi có thể có thể chuyển ruộng đất kém hiệu quả sang trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, phát triển du lịch sinh thái.

THANH HUYỀN