Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bánh giầy trong ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông

Nguyệt Anh - 06:10, 12/01/2025

Tháng Chạp, khi những vườn đào, vườn mận bung nở những cánh hoa trong cái rét ngọt của vùng cao Tây Bắc, đó cũng là thời điểm đồng bào Mông chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Trong ngày Tết, đồng bào Mông vẫn bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trong phong tục, tập quán, nhất là văn hóa ẩm thực.

Người Mông dùng bánh giầy để mời khách trong ngày đầu năm mới.
Người Mông dùng bánh giầy để mời khách trong ngày đầu năm mới

Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Mông rất coi trọng công việc sửa sang, trang trí lại bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị chu đáo lương thực, thực phẩm để làm cỗ Tết, vừa để cúng tạ ơn tổ tiên, vừa để ăn Tết và đãi khách.

Mâm cúng trong ngày Tết của đồng bào Mông ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình… không thể thiếu các món thịt gà, thịt lợn, bánh giầy, rau. Đối với đồng bào Mông ở Hà Giang, mâm cỗ Tết còn có thêm món bánh trôi và món mèn mén chế biến từ bột ngô nếp. Đồng bào Mông quan niệm, món bánh trôi hình tròn là biểu tượng cho sự tròn đầy, sung túc.

Trong đời sống tâm linh hay ẩm thực ngày lễ, Tết của người Mông, món bánh giầy có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo tiếng Mông, tùy theo từng vùng khác nhau mà bánh giầy gọi là “Pé” hoặc “Dúa”. Khi dâng bánh giầy cúng tổ tiên, thì phải dâng theo cặp 2 cái. Điểm khác biệt của chiếc bánh giầy dâng cúng phải là bánh giầy không có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Người Mông quan niệm: Hai cái bánh giầy tròn là tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của con, cháu trong năm mới sẽ được gửi gắm trong chiếc bánh giầy tròn trịa. Chiếc bánh giầy cũng là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai, gái người Mông.

Công đoạn giã bánh giầy chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm.
Công đoạn giã bánh giầy chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm

Để làm ra những chiếc bánh giầy thơm dẻo, người Mông rất kỹ càng từ khâu chọn nguyên liệu làm bánh đến giã bánh. Gạo làm bánh là gạo nếp nương, hạt to đều, thơm và dẻo. Gạo được vo sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ, sau đó vớt ra để ráo rồi cho vào chõ đồ. Khi xôi chín thì đưa vào cối giã ngay để bánh được dẻo, mềm, mịn. Công đoạn giã bánh phần lớn do đàn ông đảm nhiệm. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người, khi mệt thì lại chuyển cho 2 người khác giã thay. Giã càng kỹ thì bánh giầy làm ra càng dẻo, ngon và để được lâu.

Công đoạn nặn bánh do phụ nữ Mông đảm nhiệm. Lá lót bánh có thể là lá dong, lá chuối rừng. Những chiếc bánh giầy được nặn tròn trịa như những chiếc bánh xe, được đặt vào những chiếc lá dong hoặc lá chuối gói lại.

Bánh giầy ăn ngon nhất vẫn là khi vừa làm xong, bánh vừa mềm, dẻo, có mùi thơm ngon, hương vị của bánh quyện với mùi của lá dong rừng tạo nên một mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Những chiếc bánh giầy tròn trịa sẽ được dâng lên mâm lễ thờ cúng tổ tiên. Trong ngày lễ, Tết, món bánh giầy không chỉ là lễ vật chính trong mâm cỗ của đồng bào Mông mà còn làm quà cho khách khi đến thăm nhà. Bánh giầy mềm, dẻo, thơm và ngọt bùi, dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm. Khi ăn, bánh được nướng trên bếp lửa cho mềm dẻo rồi chấm mật ong rừng hay mật mía để làm tăng vị thơm ngon.

BÁO IN CUỐI THÁNG - Bánh giầy trong ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông 2

BÁO IN CUỐI THÁNG - Bánh giầy trong ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông 3

Chiếc bánh giầy tròn đầy thể hiện lòng thơm thảo của dân tộc Mông với lễ hội truyền thống cũng như lòng biết ơn tới cội nguồn khởi sinh vạn vật. Đối với người dân nơi đây, bánh giầy tròn không chỉ là món bánh cổ truyền trong ngày Tết mà còn thể hiện sự chung thủy, một lòng trong tình yêu.

Ngày nay truyền thống làm bánh giầy vẫn là nét văn hóa được gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau của đồng bào Mông. Đó cũng là cách giáo dục, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc.

Chiếc bánh giầy tròn đầy thể hiện lòng thơm thảo của dân tộc Mông với lễ hội truyền thống cũng như lòng biết ơn tới cội nguồn khởi sinh vạn vật. Đối với người dân nơi đây, bánh giầy tròn không chỉ là món bánh cổ truyền trong ngày Tết mà còn thể hiện sự chung thủy, một lòng trong tình yêu. Hình ảnh tròn đầy của bánh giầy tượng trưng cho tình yêu luôn viên mãn chẳng bao giờ vơi.

Trải qua bao thời gian, ngày nay truyền thống làm bánh giầy vẫn là nét văn hóa được gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau của đồng bào Mông. Đó cũng là cách giáo dục, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình. Tục làm bánh giầy của người Mông khi Tết đến không chỉ thể hiện sự tôn trọng, kế thừa truyền thống mà còn là hoạt động đặc sắc trong mùa Xuân, thu hút nhiều khách du lịch lên vùng cao Tây Bắc.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.